Cần làm gì để tận dụng cơ hội cơ cấu dân số vàng kéo dài trong 10 năm nữa?

Chủ nhật - 12/05/2024 21:43    Lượt xem: 181
Dự báo thời kỳ dân số vàng của Việt Nam sẽ kéo dài khoảng 10 năm nữa, trong giai đoạn này cần phải có nhiều giải pháp nâng cao chất lượng nguồn lao động để đưa đất nước phát triển như cách mà các quốc gia khác đã làm. Nếu bỏ qua thời cơ này,đất nước sẽ rơi vào bẫy thu nhập trung bình thấp.
Tại họp báo của Tổng cục Thống kê mới đây, khi được hỏi rằng Việt Nam đã qua thời kỳ dân số vàng hay chưa? Ông Phạm Hoài Nam, Vụ trưởng Vụ Thống kê Dân số và Lao động, nhìn nhận dân số Việt Nam đang trong thời kỳ già hóa nhanh với số người từ 60 tuổi trở lên tăng mạnh qua các năm.
rsz ds 100 tr min
Dự báo thời kỳ dân số vàng của Việt Nam sẽ kéo dài khoảng 10 năm nữa
Việt Nam còn khoảng 10 năm dân số vàng

“Những thay đổi trong cơ cấu tuổi của dân số Việt Nam hiện nay không còn đem lại lợi thế cho quá trình tăng trưởng kinh tế của đất nước. Nói cách khác thời kỳ lợi tức nhân khẩu học thứ nhất đã kết thúc ở Việt Nam”, ông Nam cho biết.

Tuy vậy, Vụ trưởng Vụ Thống kê Dân số và Lao động nhận định, điều này không có nghĩa là chúng ta đã kết thúc “thời kỳ dân số vàng”. Xét về cấu trúc tuổi thuần túy, Việt Nam vẫn đang ở trong thời kỳ dân số vàng với tỷ trọng dân số từ 15 - 64 tuổi của Việt Nam khoảng 67,4%, tỷ trọng dân số dưới 15 tuổi và từ 65 tuổi trở lên đạt khoảng 32,6%.

Tổng cục Thống kê dự báo thời kỳ dân số vàng của Việt Nam sẽ kéo dài ít nhất 10 năm nữa. Do đó, Việt Nam cần có các chính sách để tận dụng thời kỳ này.

Trên thực tế, một số quốc gia trên thế giới đã tận dụng tốt thời kỳ dân số vàng để trở thành quốc gia phát triển, điển hình như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore.

PGS.TS. Nguyễn Đức Lộc, Viện trưởng Viện Nghiên cứu đời sống xã hội (Social Life) đề cập đến một thách thức, đó là hiện nay các doanh nghiệp FDI đầu tư rất mạnh vào Việt Nam, tận dụng tốt lực lượng lao động của chúng ta trong thời kỳ dân số vàng. Nhưng nếu 10 – 15 năm nữa, khi họ rút đi và thời kỳ dân số vàng đã qua thì sao. Vì vậy, với lợi thế dân số hơn 100 triệu dân, giờ là lúc Việt Nam dành nguồn lực để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng các nhu cầu mới của nền kinh tế.

Trong khi đó, TS. Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê đã chỉ ra thách thức về chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam. Trong những năm qua, năng suất lao động của Việt Nam đã thu hẹp được khoảng cách tương đối với các nước trong khu vực ASEAN có trình độ phát triển cao hơn. Tuy vậy, theo số tuyệt đối tính theo sức mua tương đương năm 2017 năng suất lao động của Việt Nam năm 2022 đạt 20,4 nghìn USD, chỉ bằng 11,4% mức năng suất lao động của Singapore; 35,4% của Malaysia; 64,8% của Thái Lan.

So với các nền kinh tế phát triển có quy mô lớn, năng suất lao động của Việt Nam bằng 15,4% của Mỹ; 19,1% của Pháp; 21,6% của Anh; 24,7% của Hàn Quốc; 26,3% của Nhật Bản và 59% của Trung Quốc. So sánh năng suất lao động của Việt Nam với các nước cho thấy, chúng ta đang phải đối mặt với thách thức rất lớn để có thể bắt kịp mức năng suất lao động của các nước trong khu vực và trên thế giới trong thời gian tới.

Cơ hội thoát bẫy thu nhập trung bình

Chính vì vậy, “để tránh nguy cơ tụt hậu và vượt qua bẫy thu nhập trung bình, Việt Nam cần tập trung chuyển đổi mô hình tăng trưởng dựa trên năng suất, chất lượng và hiệu quả, trong đó trọng tâm là cải thiện, từng bước nâng cao năng suất lao động để tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế, đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững trong giai đoạn tới”, ông Lâm nhấn mạnh.

Ở góc độ doanh nghiệp, bà Đỗ Thị Thúy Hương, Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam thẳng thắn, các doanh nghiệp điện tử đang phải đào tạo lại khi tuyển dụng lao động. “Chúng tôi sẵn sàng trả lương cho người lao động có trình độ cao hàng trăm triệu đồng/tháng, nhưng tiếc rằng không có nhiều lao động người Việt đáp ứng được yêu cầu này”, bà Hương thông tin.

Theo bà Hương, hiện nhiều chuyên gia nước ngoài là người Hàn Quốc, người Trung Quốc... sang Việt Nam nắm giữ vị trí quản trị sản xuất và hưởng lương 200 triệu đồng/tháng, rất nhiều người trong số họ không tốt nghiệp đại học, mà chỉ tốt nghiệp một trường nghề nhưng trình độ chuyên môn và kinh nghiệm triển khai sản xuất rất dày dặn.

“Chúng tôi không quan tâm người đó có bằng đại học thế nào mà cần người có chuyên môn tốt trong quản trị sản xuất. Do vậy, nhiều doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu đều phải thuê một vài vị trí quản lý là người nước ngoài để đảm bảo tính tương thích trong chuỗi sản xuất, đây là điều đáng tiếc”, bà Hương chia sẻ.

Đặc biệt, với ngành đang hấp dẫn ở thời điểm hiện nay là chip bán dẫn, nhiều chuyên gia cảnh báo, dù Việt Nam có đầu tư hạ tầng khu công nghiệp, chính sách ưu đãi hấp dẫn nhưng chưa có “lót ổ” là nguồn lao động chất lượng cao thì đại bàng công nghệ chip bán dẫn cũng khó đến làm tổ.

Nhìn nhận thách thức này, Chính phủ đặt mục tiêu từ năm 2024 tới năm 2030, Việt Nam sẽ đào tạo 50.000 đến 100.000 nhân lực chất lượng cao làm việc cho lĩnh vực công nghệ bán dẫn, với nhiều giải pháp đi kèm.

Trong khi đó, ông Phạm Hoài Nam chia sẻ thêm, lợi tức nhân khẩu học không chỉ xảy ra một lần. Dân số có thể có lợi tức nhân khẩu học lần thứ nhất, lần thứ hai, và thậm chí lần thứ ba. Ở Việt Nam, thời kỳ lợi tức nhân khẩu học thứ nhất đã kết thúc nhưng Việt Nam có thể triển khai đồng bộ các giải pháp kinh tế xã hội để tăng năng suất lao động, khuyến khích gia tăng tỷ lệ tham gia lao động để đạt được lợi tức nhân khẩu học thứ hai. Hơn nữa, từ năm 2023, dân số Việt Nam đã đạt mốc 100 triệu người, đứng thứ 15 trên thế giới. Đây là một lợi thế cạnh tranh về phát triển kinh tế.

Đặc biệt nếu thực hiện tốt các chiến lược, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội theo chỉ đạo của Chính phủ, Việt Nam sẽ có mức tăng năng suất lao động bình quân giai đoạn 2023 - 2030 là 6,5%/năm, cao hơn mức tăng của năm 2022 là 1,7 điểm phần trăm. Mức tăng năng suất này sẽ giúp Việt Nam đạt lợi tức nhân khẩu học thứ hai đến những năm 2040.

Tuy vậy, Việt Nam cần tích cực thực hiện tốt các giải pháp tăng năng suất lao động kết hợp với các chính sách khuyến khích tăng tỷ lệ tham gia lao động, đặc biệt là tỷ lệ tham gia lao động ở nhóm người cao tuổi, góp phần tạo thêm thu nhập, giúp giảm thiểu “thâm hụt vòng đời kinh tế” để tận dụng lợi tức nhân khẩu học thứ hai cho quá trình tăng trưởng và phát triển bền vững./.

Tác giả: Thanh Huyền

Nguồn tin: Theo VnBusiness

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://dskhhgdhanoi.gov.vn là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây