Chi cục Dân số Hà Nộihttps://dskhhgdhanoi.gov.vn/uploads/logo-icon-removebg-preview.png
Thứ năm - 18/04/2024 21:43Lượt xem: 112
Kỹ năng giao tiếp với những người xung quanh tốt sẽ trang bị cho học sinh sự tự tin ban đầu, là cơ sở để phát triển trí tuệ cùng sự sáng tạo. Song thực tế không ít học sinh rất rụt rè. Luôn giấu mình trong đám đông và ngần ngại mỗi khi được mời phát biểu. Vậy làm thế nào để học sinh trở nên tự tin hơn?
Giao tiếp là một trong các kỹ năng quan trọng và vô cùng cần thiết trong cuộc sống. Ở bậc tiểu học, cùng với giáo dục văn hóa, đạo đức thì giáo dục kỹ năng sống, đặc biệt là kỹ năng giao tiếp đang được quan tâm, chú trọng. Kỹ năng giao tiếp không phải do bẩm sinh, di truyền mà được hình thành và phát triển trong quá trình sống, qua hoạt động, qua trải nghiệm và rèn luyện. Nhà trường và thầy, cô giáo cần quan tâm rèn luyện kỹ năng giao tiếp cho học sinh, giúp các em nhận ra tầm quan trọng của giao tiếp cũng như các mối quan hệ quanh mình, hiểu được ưu điểm của việc giao tiếp tốt, trở thành những đứa trẻ thân thiện, luôn biết quan tâm, chia sẻ, lắng nghe và biết tự bảo vệ bản thân. Một số biện pháp giúp học sinh mạnh dạn, tự tin hơn
Giao tiếp lễ phép và lịch sự với người lớn: Khi giao tiếp với người lớn, học sinh cần sử dụng từ ngữ thể hiện sự tôn trọng, lễ phép; có thái độ giao tiếp chân thành, cởi mở và cử chỉ thân thiện, đúng mực. Cần rèn luyện cho học sinh kỹ năng lắng nghe. Nếu không đồng tình, các em hãy chờ người lớn nói xong rồi hãy bày tỏ quan điểm cá nhân một cách lịch sự, thể hiện sự tôn trọng người nghe, không được tranh cãi hay lớn tiếng. Giao tiếp thân thiện, cởi mở với bạn bè: Trong giao tiếp với bạn bè, các em cần có cách xưng hô phù hợp; thái độ thân thiện, cởi mở, biết giữ lời hứa, biết chia sẻ, thường xuyên
nói lời “cảm ơn”, “xin lỗi”. Tuyệt đối không xúc phạm hay làm tổn thương bạn, không nói tục chửi bậy. Học sinh cũng cần được giáo dục kĩ năng ứng xử khi bạn bè trêu chọc, bắt nạt, để tự bảo vệ bản thân. Giao tiếp lịch sự mà vẫn có khoảng cách với người lạ: Cảnh giác trước người lạ là một trong những kỹ năng tự vệ cơ bản mà học sinh cần được trang bị. Vì vậy, hãy giúp các em biết cách ứng xử lịch sự mà vẫn có khoảng cách với từng nhóm đối tượng khác nhau, rèn luyện kỹ năng phòng tránh bị xâm hại cho các em qua các tiết học, các hoạt động ngoại khóa, hoạt động trải nghiệm. Tạo môi trường học tập thoải mái: Tất cả học sinh, đặc biệt là những học sinh nhút nhát sẽ không nói và tham gia vào các nhiệm vụ trong lớp nếu cảm thấy không thoải mái và bị răn đe. Trong môi trường học tập thoải mái, nơi học sinh có thể phát biểu ý kiến và được ghi nhận thì các em sẽ luôn tự tin giao tiếp nêu ra những ý tưởng sáng tạo. Giao nhiệm vụ từ đơn giản đến phức tạp: Học sinh nhút nhát, rụt rè thường sợ làm sai. Thầy cô cần tạo cho các em cảm giác có thành tựu từ những việc nhỏ nhất, từ từ, các em sẽ tự tin làm những việc phức tạp hơn. Tạo động lực: Chỉ cần các em chủ động tham gia vào cuộc trò chuyện, dù với vai trò nào, thậm chí là lặp lại một câu nói thì chúng ta cũng cần ghi nhận và dành cho các em sự khen ngợi để khuyến khích các em tham gia. Để các em sẵn sang “phá kén” và tự tin thực hiện mọi ý tưởng cũng như phát biểu ý kiến của mình, gia đình và nhà trường cần khuyến khích, động viên, tạo điều kiện và kiên nhẫn.
Tự tin nhờ được yêu thương, tôn trọng, thấy mình có giá trị
Sự tự tin của học sinh lớn dần lên nhờ vào cảm giác được yêu thương, tôn trọng và thấy mình có giá trị. Hiểu được điều này, cô Lê Như Mai – Giáo viên chủ nhiệm lớp 2C Trường Tiểu học xã Nghĩa Hải (Nghĩa Hưng, Nam Định) luôn quan tâm phát triển sự tự tin cho học sinh. Cô Mai luôn thân thiện, trở thành một người bạn tôn trọng và đồng cảm với các em. Cô cũng cố gắng tìm ra nguyên nhân khiến học sinh rụt rè, khó hòa nhập với bạn bè để từ đó tìm cách giúp các em tự tin hơn.
Trong các tiết học trên lớp, cô giáo luôn khuyến khích, động viên các em mạnh dạn phát biểu, tạo điều kiện để học sinh được trao đổi, hoạt động nhóm (nhóm đôi, nhóm bốn, nhóm lớn) và vào vai xử lý tình huống. Cô Mai chia sẻ, tôi lựa chọn những học sinh mạnh dạn thể hiện trước các hoạt động theo yêu cầu, sau đó các em nhút nhát hơn thực hành lại các hoạt động tương tự với mong muốn em nào cũng được thể hiện mình. Ngoài ra, tôi còn khuyến khích các em tham gia các hoạt động tập thể của lớp, của trường để các em mạnh dạn và tự tin hơn khi đứng trước đám đông. Nhờ sự động viên khích lệ của cô giáo chủ nhiệm, các em học sinh đã mạnh dạn, tự tin hơn.
Trong các tiết học các em đã đọc to, phát biểu rõ ràng, biết bày tỏ ý kiến của mình, biết tự đánh giá mình và đánh giá bạn, nhóm bạn trước lớp. Các em tích cực tham gia các hoạt động như biểu diễn văn nghệ, chơi trò chơi. Các em biết các giao tiếp ứng xử đúng mực, biết xử lý một số tình huống đơn giản.
Tác giả: Cường Việt
Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://dskhhgdhanoi.gov.vn là vi phạm bản quyền