Gia đình với công tác chăm sóc sức khỏe Người cao tuổi trên địa bàn Hà Nội

Thứ ba - 22/08/2017 05:35    Lượt xem: 1470

Gia đình là tế bào của xã hội

Gia đình là tế bào của xã hội
Thế kỷ 21 được Liên Hợp Quốc cảnh báo sẽ là “Kỷ nguyên của Người cao tuổi”. Dự kiến đến năm 2025, lượng NCT sẽ đạt tới 1,2 tỷ người, chiếm khoảng 20% dân số thế giới. Không nằm ngoài quỹ đạo đó, Việt Nam cũng đang ở ngưỡng cửa của giai đoạn “già hóa dân số”. Thực tế này đặt ra không ít khó khăn trong các công tác chăm sóc sức khỏe cho NCT, mà trách nhiệm trước hết là ở chính những gia đình họ đang sinh sống.
Tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM, số NCT từ 60 tuổi trở lên chiếm tỷ lệ trên 10%.  Chỉ trong 2 năm 2009 – 2010, tỷ lệ này tăng từ 8,7% lên 9,4%, gấp 10 lần so với giai đoạn trước đây. Theo GS.TS. Nguyễn Đình Cử, nguyên Viện trưởng Viện Dân số và các vấn đề xã hội: “Nếu như số lượng NCT ở nước Pháp tăng lên gấp đôi trong vòng 115 năm thì ở nước ta chỉ mất 20 năm”.
Theo kết quả điều tra sơ bộ và thống kê dữ liệu điện tử của Chi cục Dân số - KHHGĐ, năm 2016, số lượng NCT phân bố trên địa bàn 30 quận, huyện, thị xã của Hà Nội vào khoảng 959,963 người (từ 60 tuổi trở lên), chiếm 12,7% dân số, trong đó số người từ 80 tuổi trở lên khoảng 180 nghìn người. Đây là một con số chưa hẳn là quá lớn, nhưng nếu đặt nó trong bối cảnh mà hệ thống an sinh xã hội và các công tác chăm sóc sức khỏe cho đối tượng này ở nước ta còn chưa thực sự hiệu quả, thì đó hẳn là một thực trạng đáng lo ngại.
Tại Việt Nam, gia đình là tế bào của xã hội. Mỗi con người sẽ được giáo dục và trưởng thành trong môi trường gia đình, đồng thời cũng chịu trách nhiệm chăm sóc và bảo vệ gia đình. Trước đây, trong xã hội nông thôn, gia đình kết hợp với dòng họ thành khu vực tụ cư, vui buồn – sướng khổ có nhau, ký thác tâm tình; và đặc biệt đó là nơi thể hiện sự kính trọng, hiếu nghĩa của con cháu với cha mẹ, ông bà. Tục ngữ dân gian ta có câu “trẻ cậy cha, già cậy con” để nói lên chức năng của gia đình người Việt Nam xưa là chăm sóc bố mẹ, ông bà khi về già và cũng là một nguyên tắc ứng xử cơ bản của “đạo hiếu” trong gia đình.
Thế nhưng, từ khi thực hiện chính sách kinh tế thị trường và đặc biệt trong thời đại công nghiệp hóa – hiện đại hóa trong bối cảnh hội nhập hiện nay, những giá trị tốt đẹp này của gia đình người Việt đã ít nhiều bị suy yếu.
Theo số liệu của Ủy ban Kế hoạch Nhà nước và Tổng cục Thống kê năm 1992-1993, tại miền Bắc, nhân khẩu bình quân mỗi hộ có 4,96 nhân khẩu, tức là lượng nhân khẩu gia đình ở đồng bằng Bắc Bộ lúc đó phổ biến là không dưới 5 người, tương đương với một gia đình có thể có từ 2 đến 3 thế hệ. Điều đó đúng với tư duy  truyền thống của người Việt thích “đông con nhiều cháu”, coi trọng sự gắn kết “tam, tứ đại đồng đường”. Thậm chí một gia đình lớn ở đồng bằng Bắc Bộ có thể có từ 3 – 4 thế hệ với 6 nhân khẩu. Tuy nhiên, qua thời gian, gia đình Việt Nam có nhiều biến đổi về quy mô, cấu trúc. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tại Hà Nội, nhân khẩu bình quân từ năm 2002 - 2006 dao động khoảng 3,9 – 4.0. Như vậy có thể suy ra mỗi gia đình ở Hà Nội chỉ có khoảng 2 thế hệ (gia đình hạt nhân).



Sự thu hẹp quy mô gia đình đã kéo theo sự chuyển đổi cấu trúc, mô hình gia đình từ gia đình truyền thống gia đình hạt nhân, làm cho ngày càng có nhiều NCT không sống chung với con cháu. Xu hướng hạt nhân hóa gia đình ngày càng trở thành chủ đạo trong bối cảnh thời đại mới hiện nay, với sự chi phối của nhiều yếu tố kinh tế và tâm lý xã hội. Nhìn chung, lớp trẻ có khuynh hướng sống độc lập với cha mẹ, và nếu có điều kiện họ sẽ tách hẳn thành một hộ gia đình riêng. Đa số NCT hiện nay không có nhiều điều kiện được sống chung với con cháu trong gia đình, khiến cho người thân không có điều kiện chăm sóc và gần gũi với họ. Giáo sư Vũ Khiêu cho rằng: “Sự trợ giúp về tình cảm và vật chất giữa các thế hệ trong gia đình ông bà, cha mẹ và con cái được thể hiện ở vai trò của mỗi thế hệ trong đời sống gia đình. Ngày nay, quan hệ giữa vợ và chồng, giữa cha mẹ và con cái, giữa anh chị em với nhau không còn chặt chẽ và thân thiết như trước. Tỷ lệ mong muốn sống chung với con cái của nhóm trẻ giảm so với nhóm già”.
Tại Hà Nội, vẫn còn nhiều nơi diễn ra thực trạng NCT không được chăm sóc sức khỏe thể chất và tinh thần đầy đủ, thậm chí bị con cháu ngược đãi, bỏ rơi phải ở một mình, cô đơn buồn tủi. Tại làng Trung Kính Thượng (phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy – vốn trước đây là xã ngoại thành bị đô thị hóa rất nhanh), Chi hội Người cao tuổi của làng có khoảng 300 người, nhưng trong đó chỉ có 30 người ăn chung với con cháu (chiếm 10%), số còn lại 270 người (chiếm 90%) ăn và ở phòng riêng. Một số địa phương khác thuộc Hà Nội cũng có tình trạng tương tự. Điều này đặt ra thách thức ngày càng lớn về công tác CSSK NCT dựa vào gia đình, cộng đồng nhưng cũng đòi hỏi sự phối hợp và quan tâm rất lớn, trước hết là từ các cơ quan Sở, Ban, Ngành từ Trung ương cho tới địa phương.
Đứng trước giai đoạn già hóa dân số nhanh, Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung cần phải tập trung phát triển hệ thống CSSK NCT bền vững để thích ứng với bối cảnh dân số già trong tương lai.
Đề án “Chăm sóc sức khỏe cao tuổi trên địa bàn Thành phố Hà Nội giai đoạn 2017 – 2025” do Sở Y tế Hà Nội và Chi cục Dân số - KHHGĐ Hà Nội phối hợp thực hiện đã xây dựng được dự thảo bộ khung chương trình với nhiều mục tiêu cụ thể, đồng thời đưa ra nhiều giải pháp, nhiệm vụ và các hoạt động thiết thực, trong đó nhiệm vụ truyền thông – giáo dục nâng cao nhận thức cho gia đình có NCT và bản thân NCT được đánh giá là một hoạt động cần phải triển khai khẩn trương và đồng bộ.

Tác giả: Nhật Linh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây