CẦN KHẨN TRƯƠNG TẬN DỤNG CƠ CẤU DÂN SỐ VÀNG ĐỂ PHÁT TRIỂN ĐẤT NƯỚC

Thứ năm - 28/01/2021 23:03    Lượt xem: 1558

CẦN KHẨN TRƯƠNG TẬN DỤNG CƠ CẤU DÂN SỐ VÀNG ĐỂ PHÁT TRIỂN ĐẤT NƯỚC

Theo các chuyên gia, cơ cấu “dân số vàng” vừa mang lại cơ hội nhưng đồng thời cũng là thách thức cho sự phát triển đất nước. Nhiều quốc gia đã tận dụng được cơ hội này để bứt phá, phát triển nhanh nhưng không ít nước đã bỏ lỡ, chìm sâu trong “bẫy thu nhập trung bình”
Trong nhân khẩu học, thời kỳ cơ cấu "dân số vàng" là dân số có khả năng lao động (từ 15 đến 64 tuổi) chiếm tỷ lệ cao. Đây là thời kỳ mang lại cơ hội lớn để nâng cao chất lượng dân số, chất lượng nguồn nhân lực - yếu tố quyết định sự phát triển bền vững của đất nước.

Nhiều nghiên cứu cho thấy, trên thế giới, cơ cấu "dân số vàng" thường kéo dài từ 30 - 35 năm hoặc lâu hơn. Điều đó đồng nghĩa với chừng ấy thời gian, mỗi quốc gia sẽ có được lực lượng lao động trẻ hùng hậu, đủ sức làm xoay chuyển nền kinh tế đất nước nếu biết khai thác tối đa nguồn tài nguyên quý giá này.

Thực tế, nhiều quốc gia châu Á đã biết tận dụng triệt để cơ hội "dân số vàng" để tạo nên những kỳ tích trong phát triển kinh tế, đóng góp khoảng 1/3 vào tăng trưởng như Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc. Riêng Trung Quốc, cơ hội này đã mang lại 15% tăng trưởng kinh tế trong hơn 20 năm qua.
Tại Việt Nam, bắt đầu từ năm 2007, với tỷ số dân số phụ thuộc chung (nhóm dân số 0-14 tuổi và nhóm dân số trên 65 tuổi tính trên nhóm dân số 15-64) dưới 50%, Việt Nam chính thức bước vào thời kỳ cơ cấu "dân số vàng".
Tuy nhiên, trên thực tế hiện nay, lực lượng dân số trong độ tuổi lao động vẫn chưa tạo nên sức bật cho nền kinh tế, vì có trên 70% là lao động giản đơn. Sự thiếu hụt trầm trọng lao động kỹ thuật trình độ cao và lao động dịch vụ cao cấp trong các ngành thương mại, tài chính, ngân hàng, du lịch... là những thách thức không nhỏ đặt ra cho giai đoạn cơ cấu "dân số vàng".
Cùng với đó, năm 2011, Việt Nam đã chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số khi tỷ trọng nhóm dân số 65 tuổi trở lên chiếm 7%. Các nhà nhân khẩu học nhận định, tốc độ già hóa dân số của Việt Nam thuộc hàng nhanh nhất thế giới. Điều này đặt ra nhiều thách thức đối với công tác chăm sóc sức khỏe và phát huy người cao tuổi, thích ứng với quá trình già hóa dân số ở nước ta. Các phương tiện thông tin đại chúng thời gian qua đã cho rằng: "Việt Nam chưa giàu đã già".
Theo các chuyên gia, cơ cấu "dân số vàng" vừa mang lại cơ hội đồng thời cũng mang lại những thách thức cho sự phát triển đất nước. Nhiều quốc gia đã tận dụng được cơ hội này để bứt phá, phát triển nhanh nhưng không ít nước đã bỏ lỡ, chìm sâu trong "bẫy thu nhập trung bình".
Để góp phần phát huy thế mạnh "vàng", hạn chế những thách thức của thời kỳ này, Nghị quyết số 21-NQ/TW về công tác dân số trong tình hình mới của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã nhấn mạnh: Phát huy tối đa lợi thế cơ cấu dân số vàng, tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển đất nước nhanh, bền vững.

Tác giả: Chi Anh

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://dskhhgdhanoi.gov.vn là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây