Chi cục Dân số Hà Nộihttps://dskhhgdhanoi.gov.vn/uploads/logo-icon-removebg-preview.png
Thứ năm - 28/01/2021 22:57Lượt xem: 1242
Phường Láng Thượng (quận Đống Đa, Hà Nội) có đặc thù 2/3 dân cư trong toàn phường trước đây làm nghề truyền thống trồng cây gia vị, 1/3 dân cư là cán bộ công nhân, viên chức nơi khác chuyển đến sống ở các khu tập thể cao tầng.
Sự không đồng đều này đã mang lại nhiều “bản sắc riêng” trong việc thực hiện công tác dân số, đặc biệt là chăm sóc sức khỏe phụ nữ và trẻ em. Từ vất vả vận động không cố sinh bằng được con trai… Trong gần 10 năm làm công tác dân số, chị Nguyễn Bích Nhung, Phó Chủ tịch Hội LHPN phường Láng Thượng, cán bộ chuyên trách dân số “nghiệm” ra rằng: Làm dân số chính là vận động, tuyên truyền để người dân hiểu và làm theo, chứ không có chế tài hay quyền uy buộc phải thực thi cả. “Với riêng phường Láng Thượng, dù có khó khăn là các hội viên phụ nữ, cộng tác viên dân số chủ yếu là người cao tuổi, nhưng đây cũng chính là thuận lợi vì lời nói, cách làm của các cô, các bác sẽ có uy tín với lớp trẻ, với cộng đồng, nhất là trong tuyên truyền về mất cân bằng giới tính, sàng lọc trước và sơ sinh, các biện pháp tránh thai an toàn, hiện đại…”, chị Nhung chia sẻ.
Không nằm ngoài những tác động của quá trình đô thị hóa, công tác dân số trên địa bàn phường Láng Thượng cũng gặp nhiều thách thức: Một số gia đình có điều kiện kinh tế muốn sinh thêm con; Có gia đình vẫn bảo thủ muốn có con trai; Hiểu sai về các chính sách dân số (rõ nhất là Quyết định 588 của Thủ tướng về điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng lại bị hiểu nhầm thành “cho phép đẻ thoải mái”); Tuyên truyền đến từng gia đình gặp khó khi ai cũng bận rộn, nhà nào cũng “kín cổng cao tường”… “Phường Láng Thượng có 50% dân số là gốc địa phương, số còn lại là từ nơi khác chuyển đến, nên việc theo dõi di biến động như sinh, tử, kết hôn, đi và đến gặp nhiều khó khăn. Việc thay đổi nơi cư trú của các hộ dân KT2, KT3, nhiều lao động, sinh viên đến sinh sống làm ăn thuê trọ rất phức tạp. Hệ thống CTV dân số lại chủ yếu là các bác cao tuổi ảnh hưởng đến công tác tuyên truyền, thu thập thông tin và tổng hợp số liệu”. Trong thời gian làm công tác dân số của mình, chị Nguyễn Bích Nhung vẫn không quên hai câu chuyện “khó nhằn” về việc vận động gia đình người dân không tìm mọi cách để cố sinh bằng được con trai nữa. “Gia đình đó kinh tế chưa ổn định, đã vậy lại đẻ liền nhau hai cô con gái. Nhận thấy tình hình đó, tôi tìm cách tác động ngay đến người vợ, thủ thỉ tâm tình với cô ấy về việc nếu sinh thêm một đứa con nữa, thì gánh nặng kinh tế, chăm sóc con cái sẽ lớn hơn rất nhiều với hai vợ chồng. Tôi cùng các CTV dân số cũng quán triệt luôn tinh thần đó với người chồng. Sau một thời gian dài khuyên nhủ, cô vợ đã đồng ý đi đặt vòng, và dừng lại ở hai con gái để nuôi dạy cho tốt. Một trường hợp khác, vì người bố ép phải có cháu trai nối dõi bằng được mà vợ chồng hai người con trai của ông (lúc này đều chưa có con trai) đã không đồng ý và bỏ đi, thuê nhà khác để ở. Sau nhiều lần tuyên truyền, thuyết phục, ông cụ đã phần nào nguôi đi mong ước “phải có cháu đích tôn”. Thế mới biết, vận động người dân từ bỏ một tâm lý vẫn còn rất nặng nề như trọng nam, khinh nữ cần một sự bền bỉ, kiên trì đến thế nào”. … đến phường nhiều năm liền không sinh con thứ 3 Chị Nhung cho biết, vừa nâng cao công tác tuyên truyền, vừa phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể thì công tác dân số mới chuyển biến tốt được. Bởi vậy, chính sách, quy định mới về công tác dân số luôn được lồng ghép trong các buổi sinh hoạt chi bộ, các CTV dân số sẽ đưa văn bản đến bí thư chi bộ, là tài liệu chính thống để tuyên truyền. Nội dung tuyên truyền chủ yếu là kiến thức, kỹ năng giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh, bình đẳng giới và chính sách, pháp luật liên quan đến lựa chọn giới tính thai nhi. Toàn phường có 15 khu dân cư với mạng lưới CTV là 36 người phụ trách nhận nhiệm vụ quản lý, theo dõi, vận động các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ nhằm thực hiện tốt kế hoạch hóa gia đình, đặc biệt là các cặp vợ chồng có nguy cơ sinh con thứ 3 hoặc đẻ sớm, đẻ dầy. Với sự nhiệt tình, các CTV đã đi tới từng hộ gia đình để tư vấn biện pháp tránh thai cho phù hợp. Nhằm thực hiện tốt Đề án tầm soát các dị dạng bệnh tật, bệnh bẩm sinh, Ban Dân số phường đã tuyên truyền trước tiên cho các thành viên trong Ban Chỉ đạo và đội ngũ CTV dân số của phường về ý nghĩa của việc sàng lọc trước sinh (SLTS) và sàng lọc sơ sinh (SLSS). Sau đó, tổ chức truyền thông, triển khai Đề án SLTS và SLSS giai đoạn 2016-2020 nâng cao chất lượng dân số tới các ban ngành đoàn thể, bí thư chi bộ, trưởng ban công tác mặt trận, tổ trưởng dân phố, những người có uy tín trong cộng đồng, các cặp vợ chồng mới cưới, các cặp vợ chồng có 2 con là “một bề”…, chú trọng tuyên truyền về tình hình mất cân bằng giới tính khi sinh và hệ lụy của việc mất cân bằng giới. Với những hành động thiết thực đó, tính đến cuối năm 2019, phường Láng Thượng không có trường hợp sinh con thứ 3; tỷ lệ giới tính là 105/100; gần 100% thai phụ được tuyên truyền; hơn 80% thai phụ được SLTS và gần 90% trẻ sơ sinh được SLSS. Trước những nhức nhối về thực trạng xâm hại trẻ em, chị Nhung cho biết: Hội LHPN phường và các cán bộ dân số đã tích cực vào các trường trung học để nói chuyện với các em về giới tính bằng các mô hình và thông tin chính thống. “Chúng tôi đề cao vai trò của gia đình và nhà trường trong việc lắng nghe tâm tư, theo dõi tình hình các em, từ đó vận động mỗi phụ huynh, mỗi giáo viên hãy cởi mở và thật sự làm bạn với con em mình. Tuy nhiên, một thách thức đặt ra với chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục cho lứa tuổi này đó là các em đang tiếp cận với quá nhiều nguồn thông tin, trong đó có cả những điều không đúng. Ngoài ra, trong gia đình vẫn có khoảng cách trong thấu hiểu giữa bố mẹ và các con; CTV dân số trên địa bàn phường có quá ít người trẻ. Vì thế, để khắc phục được bất cập, góp phần nâng cao đời sống văn hóa trên địa bàn phường, ngay trong dịp hè này, chúng tôi sẽ phối hợp tổ chức nhiều hoạt động vui chơi, giải trí, thi đấu thể thao lành mạnh cho mọi lứa tuổi, vừa là cụ thể hóa các thông điệp, vừa nâng cao kỹ năng sống và môi trường sống lành mạnh cho tất cả mọi người”.
Tác giả: Quỳnh Anh
Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://dskhhgdhanoi.gov.vn là vi phạm bản quyền