Chi cục Dân số Hà Nộihttps://dskhhgdhanoi.gov.vn/uploads/logo-icon-removebg-preview.png
Thứ tư - 11/07/2018 07:02Lượt xem: 1790
Lễ mít tinh kỷ niệm ngày Dân số Thế giới (11/7) đã diễn ra vào sáng nay tại Học viện Thanh Thiếu niên Việt Nam. Buổi lễ được tổ chức bởi Bộ Y tế Việt Nam và Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA). Chủ đề được chọn cho ngày kỷ niệm năm nay là: “Thành công của kế hoạch hóa gia đình là tiền đề cho phát triển bền vững”.
Tham dự lễ mít tinh năm nay có ông Phạm Lê Tuấn - Thứ trưởng Bộ Y tế; ông Lê Cảnh Nhạc - Phó Tổng cục trưởng thường trực, Tổng cục Dân số và Kế hoạch hóa gia đình; ông Võ Thành Đông - Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục DS-KHHGĐ; Bà Nguyễn Thị Ngọc Lan - Phó tổng cục trưởng, Tổng cục DS-KHHGĐ; bà Astrid Bant - Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam…Ngoài ra còn có đại diện các bộ, ngành, cơ quan chính phủ, các đại sứ quán, các tổ chức phi chính phủ trong nước và quốc tế, cùng hàng trăm đại biểu là thanh thiếu niên Việt Nam.
Các đại biểu là lãnh đạo các Bộ, Sở, Ngành tham dự Lễ mít tinh
Đông đảo đại biểu tới tham dự Lễ mít tinh kỷ niệm Ngày Dân số Thế giới (11/7), trong đó có NSƯT. Quyền Văn Minh, NSƯT. Chiều Xuân, Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2017 H'Hen Niê, MC Phan Anh
Ngày Dân số Thế giới là một dịp kỷ niệm thường niên nhằm nâng cao nhận thức của người dân trên toàn thế giới về các vấn đề dân số toàn cầu. Sự kiện được UNDP (Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc) đưa ra năm 1989. Nó được lấy cảm hứng từ Ngày thế giới 5 tỉ người vào 11 tháng 7 năm 1987. Cậu bé người Nam Tư Matej Gašpar sinh ra tại thành phố Zagreb là công dân thứ 5 tỷ của Thế giới. Sau đó ngày này được Liên Hợp Quốc công nhận là ngày lễ quốc tế.
Vào ngày 14/1/1993, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VII trong Hội nghị lần thứ 4, đã ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TW về chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình. Sau nhiều năm triển khai, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể trong công tác cung cấp dịch vụ kế hoạch hoá gia đình. Tổng tỷ suất sinh đã giảm từ mức trung bình 5 con/cặp vợ chồng tại thời điểm những năm 1970 xuống mức sinh thay thế 2,09 vào năm 2006. Tỷ lệ sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại đã tăng từ 37% năm 1988 lên 67% vào năm 2016. Tỷ lệ tử vong mẹ trên toàn quốc đã giảm đáng kể từ 233/100.000 ca sinh sống trong những năm 1990 xuống còn 58/100.000 ca sinh sống vào năm 2016.
Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn đọc diễn văn hưởng ứng ngày Dân số Thế giới
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, thứ trưởng Bộ Y tế, ông Phạm Lê Tuấn khẳng định: “Các kết quả công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình đạt được đó góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nhất là đóng góp vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo, bảo vệ, chăm sóc sức khỏe, thực hiện thành công các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và cải thiện đời sống nhân dân. Đầu tư vào các chương trình DS-KHHGĐ đã tiết kiệm các khoản chi cho các dịch vụ xã hội và tăng GDP bình quân đầu người khoảng 2%/năm, góp phần quan trọng vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo của đất nước”.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Phạm Lê Tuấn cũng nhấn mạnh rằng, công tác KHHGĐ trong thời gian tới chắc chắn sẽ gặp nhiều thách thức như: Nhu cầu về các biện pháp tránh thai hiện đại trong nhóm dân số trẻ chưa kết hôn vẫn đang ở mức cao; Các công tác cung cấp thông tin và dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản/sức khỏe tình dục cho thanh niên và vị thành niên, bao gồm chương trình giáo dục và giáo dục giới tính chưa thực sự phát huy hiệu quả, do đó cần tiếp tục đẩy mạnh cải thiện các lĩnh vực này.
Thứ trưởng cũng nhấn mạnh rằng công tác KHHGĐ trong thời gian tới chắc chắn sẽ gặp nhiều thách thức
UNFPA là cơ quan đồng tổ chức lễ kỷ niệm với Bộ Y tế. Trong những năm gần đây, bên cạnh những hoạt động về dân số nói chung, UNFPA rất quan tâm tới khía cạnh Giới và Kinh tế của KHHGĐ. Các cố vấn về giới và kinh tế của cơ quan này tại Việt Nam cho rằng bình đẳng giới đóng vai trò quan trọng trong công tác KHHGĐ và là chìa khóa để đạt được quyền của phụ nữ; còn về khía cạnh kinh tế, việc đầu tư một cách có chiến lược cho KHHGĐ đã mang lại thịnh vượng cho nhiều quốc gia trong một nửa thập kỷ qua.
Bà Astrid Bant - Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam phát biểu tại Lễ mít tinh
Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam là bà Astrid Bant cam kết rằng sẽ tiếp tục các công tác hỗ trợ các chính phủ và nhân dân khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam nhằm đảm bảo rằng mọi người dân đều có thể được tiếp cận phổ cập tới các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, bao gồm cả SKSS và SKTD. Phát biểu buổi lễ, bà Astrid Bant khẳng định: “Bằng việc chung tay góp sức, chúng ta sẽ tạo dựng được một tương lai mà trong đó không có tử vong mẹ, không có nhu cầu chưa được đáp ứng về KHHGĐ, không có bạo lực và các hành vi gây hại cho phụ nữ và trẻ em gái. Chúng ta sẽ cùng nhau biến những ước mơ và hy vọng thành sự thực đối với khu vực Châu Á – Thái Bình Dương nói chung và Việt Nam nói riêng. Chúng ta sẽ cùng chung tay xây dựng nên một tương lai mà trong đó tuyệt đối không có bất kỳ người dân nào bị bỏ lại phía sau”.
Các đại biểu tham gia nội dung tọa đàm và thảo luận về vấn đề dân số, kế hoạch hóa gia đình của Việt Nam và khu vực Châu Á - Thái Bình Dương
Ông Lê Cảnh Nhạc - Phó Tổng cục trưởng thường trực, Tổng cục Dân số và Kế hoạch hóa gia đình khẳng định công tác DS-KHHGĐ giữ một vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước
Triển lãm bằng tranh, ảnh các hoạt động của UNFPA tại Việt Nam
MC Phan Anh chia sẻ rằng giới trẻ hiện nay có nhiều điều kiện để tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc SKSS/SKTD hơn thời xưa
NSƯT. Chiều Xuân cũng bày tỏ sự quan tâm đến các vấn đề dân số, kế hoạch hóa gia đình
Một số hình ảnh về hoạt động của UNFPA tại Việt Nam:
Tác giả: Nhật Linh
Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://dskhhgdhanoi.gov.vn là vi phạm bản quyền