Trưởng Đại diện UNFPA tại Việt Nam - bà Naomi Kitahara: Phụ nữ và trẻ em gái cần được bảo vệ

Thứ hai - 12/07/2021 22:26    Lượt xem: 619

Bà Naomi Kitahara, Trưởng Đại diện UNFPA tại Việt Nam

Bà Naomi Kitahara, Trưởng Đại diện UNFPA tại Việt Nam
Trên chặng đường thực hiện các Mục tiêu thiên niên kỷ và Mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc, Việt Nam là một điển hình được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Sau một thời gian dài ảnh hưởng bởi dịch bệnh, chúng ta cần sát cánh hơn nữa cùng những người dễ bị tổn thương như phụ nữ, trẻ em... nếu muốn tới đích.
Với hơn 40 năm hoạt động tại Việt Nam, Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc UNFPA hiểu rất rõ vấn đề này. Báo Phụ nữ Thủ đô có bài phỏng vấn bà Naomi Kitahara, Trưởng Đại diện UNFPA tại Việt Nam về những việc cần làm để đảm bảo mọi phụ nữ và trẻ em gái đều được quan tâm, không còn bất bình đẳng giới và hướng tới một xã hội hạnh phúc, chất lượng dân số khỏe mạnh.

UNFPA luôn quan tâm đặc biệt đến phụ nữ và trẻ em gái

Phóng viên (PV): Trước tình hình bùng phát dịch COVID-19 và thiên tai xảy ra, UNFPA Việt Nam đã liên tục cung cấp các vật dụng thiết yếu cho các nhóm dân số dễ bị tổn thương như người cao tuổi, phụ nữ và trẻ em gái. Tổ chức có dự định cung cấp những hỗ trợ thiết yếu cho các nhóm dân số khác không?

 Naomi Kitahara: Đại dịch COVID-19 càng làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng vốn có và gây ảnh hưởng không nhỏ tới phụ nữ, trẻ em gái và người cao tuổi, trong đó bao gồm cả người khuyết tật, vì đó là những đối tượng dễ bị tổn thương nhất tại Việt Nam.

bà Naomi Kitahara, Trưởng đại diện UNFPA tại Việt NamBà Naomi Kitahara, Trưởng Đại diện UNFPA tại Việt Nam

Để hỗ trợ họ, chúng tôi có cung cấp nhiều hình thức. Trước tiên, đối với phụ nữ có thai và phụ nữ dự định mang thai, đồ bảo hộ cá nhân và trang thiết bị chăm sóc sức khỏe bà mẹ đã được khẩn trương cung cấp tới các bệnh viện và phòng khám vào đầu năm 2020. UNFPA cũng chia sẻ hướng dẫn về chăm sóc sức khỏe sinh sản và Sức khỏe tình dục (SKSS&SKTD) để Bộ Y tế có thể sử dụng ngay, nhằm đảm bảo việc cung cấp dịch vụ SKSS&SKTD cho phụ nữ không bị gián đoạn. Nhằm hỗ trợ mở rộng công tác chăm sóc sức khỏe từ xa, UNFPA mới xây dựng và thử nghiệm một ứng dụng điện thoại di động để phụ nữ mang thai có thể tiếp cận thông tin và dịch vụ chất lượng trong giai đoạn dịch COVID-19. Trong năm nay, chúng tôi sẽ tiếp tục mở rộng ứng dụng này, vì chúng tôi đã nhận được rất nhiều phản hồi tích cực từ người dùng, đặc biệt là người dân ở vùng sâu, vùng xa.

"UNFPA luôn dành trọng tâm hoạt động đến phụ nữ, trẻ em gái. Một thực tế đau lòng là thời gian qua, thêm nhiều phụ nữ trở thành nạn nhân của bạo lực gia đình. Trong giai đoạn COVID-19, số lượng cuộc gọi vào đường dây nóng của UNFPA để yêu cầu trợ giúp đã tăng gấp đôi".

 Naomi Kitahara

Theo Điều tra quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ năm 2019 do UNFPA hỗ trợ, 2/3 phụ nữ Việt Nam từng phải chịu một hoặc nhiều hình thức bạo lực trong suốt cuộc đời, nhưng hơn 90% trong số đó chưa bao giờ tìm kiếm dịch vụ hỗ trợ nào. Trong giai đoạn COVID-19, số lượng cuộc gọi vào đường dây nóng của UNFPA để yêu cầu trợ giúp đã tăng gấp đôi. Trước tình hình đó, UNFPA đã nhanh chóng ra mắt trung tâm dịch vụ một cửa đầu tiên cho nạn nhân của bạo lực giới ở Việt Nam, đồng thời cung cấp “Bộ dụng cụ thiết yếu” bao gồm các vật dụng quan trọng để bảo vệ phẩm giá, đảm bảo vệ sinh và sức khỏe cho phụ nữ, trẻ em gái và cung cấp các thông tin chính liên quan đến bạo lực trên cơ sở giới. Trong đợt bùng phát dịch vừa rồi, khoảng 5.100 Bộ dụng cụ thiết yếu đã được gửi tới phụ nữ ở các tình Bắc Giang, Bắc Ninh và Thành phố Hồ Chí Minh, với sự hợp tác hỗ trợ của Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Hội Nông dân Việt Nam.

Đối với người cao tuổi, thiết bị bảo hộ cá nhân cũng được cung cấp cho một số trung tâm bảo trợ xã hội, những nhân viên làm công tác cộng đồng, công tác chăm sóc của Hội Người cao tuổi tại địa phương và Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau dựa vào cộng đồng. Đồng thời chúng tôi cũng nâng cao nhận thức về COVID-19 cho người cao tuổi, còn chia sẻ hướng dẫn đặc biệt về chăm sóc người cao tuổi trong bối cảnh COVID-19 để chính quyền trung ương và cấp tỉnh sử dụng. Nhằm đảm bảo người cao tuổi được tiếp cận với thông tin và dịch vụ chăm sóc sức khỏe, UNFPA cũng thí điểm một ứng dụng di động mới mang tên “S-Health”, sẽ sớm chính thức ra mắt trên toàn quốc, và phân phát hơn 3.700 Bộ dụng cụ thiết yếu tới người cao tuổi và người khuyết tật tại các tỉnh miền Trung là Quảng Ngãi, Quảng Trị và Hà Tĩnh. Đây là những nơi chịu ảnh hưởng nặng nề do đợt bão lụt năm 2020.

PV: UNFPA là một trong những cơ quan Liên Hợp Quốc hoạt động trong lĩnh vực bình đẳng giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới. Liệu bình đẳng giới có phải là lời giải để nâng cao chất lượng đời sống của toàn dân và đảm bảo sự phát triển bền vững của kinh tế - xã hội không?

 Naomi Kitahara: Bất cứ ai trong chúng ta đều có thể thấy rõ tầm ảnh hưởng của phụ nữ trong mọi khía cạnh đời sống. Bởi thế, bình đẳng giới với hơn một nửa dân số này rất quan trọng. Không quốc gia nào trên thế giới có thể đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG) mà không cần tới bình đẳng giới.

Trong hơn 40 năm hoạt động tại Việt Nam, UNFPA đã bền bỉ ủng hộ quyền phụ nữ và trẻ em gái trong các lĩnh vực như công bằng tình dục và sinh sản, biến động và dữ liệu dân số, phát triển thanh niên, bảo trợ xã hội cho người cao tuổi và người khuyết tật, bạo lực trên cơ sở giới và các thực hành có hại khác, ví dụ như tảo hôn và lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới.

"Bạo lực trên cơ sở giới là một ví dụ điển hình, vấn nạn này hiện vẫn còn khá phổ biến. Gốc rễ của vấn nạn này là bất bình đẳng giới. Một phần nào đó trong suy nghĩ của người dân, bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái là hành vi được “chấp nhận”, “cho phép” hoặc “có thể biện hộ” mà không công nhận một điều rằng, đây rõ ràng là một hành vi vi phạm quyền phụ nữ".

 Naomi Kitahara

Theo ước tính của Điều tra quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ năm 2019, tổn thất mà bạo lực trên cơ sở giới gây ra đối với Việt Nam là 1,81% GDP năm 2018, phần lớn đến từ sự tổn thất năng suất lao động, nghỉ làm, chi phí do bị tổn thương và phục hồi. Có thể thấy rằng, bất bình đẳng giới là một rào cản đối với sự phát triển bền vững của kinh tế - xã hội.

Nằm trong nhóm quốc gia có thu nhập trung bình, Việt Nam chiếm vị trí ngày càng cao trong vai trò dẫn dắt ở khu vực và quốc tế, và UNFPA hy vọng Việt Nam sẽ là quốc gia đi đầu trong công tác thúc đẩy bình đẳng giới.

Bình đẳng giới là “đáp án” để nâng cao chất lượng cuộc sống

PV: Hiện công tác dân số vẫn còn nhiều thách thức. Bên cạnh sự hỗ trợ và can thiệp từ các tổ chức quốc tế như UNFPA, Việt Nam cần làm gì để đạt được mục tiêu dân số khỏe mạnh, thưa bà?

 Naomi Kitahara: Việt Nam đang ở thời điểm quan trọng để đẩy nhanh quá trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. Thứ nhất, Việt Nam vẫn đang ở trong thời kỳ cơ cấu dân số vàng với số lượng lớn dân số trong độ tuổi lao động (15-64 tuổi), chiếm 68% tổng dân số (2019). Đây là cơ hội “có một không hai” để khai thác “lợi tức dân số”, một yếu tố đóng vai trò bàn đạp cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Nhưng để tận dụng tối đa cơ hội dân số đặc biệt này, cần phải có những chính sách và chương trình phù hợp. Mới đây, Việt Nam đã thông qua Luật Thanh niên sửa đổi năm 2020. Đây là một ví dụ điển hình cho việc đặt ra chương trình nghị sự quốc gia phù hợp nhằm thúc đẩy tăng cường đầu tư cho thanh niên.

"Giáo dục kỹ năng sống và giáo dục giới tính toàn diện đóng vai trò rất quan trọng để thanh thiếu niên lập kế hoạch tốt cho tương lai. Bên cạnh đó, cần đảm bảo công tác cung cấp dịch vụ, bao gồm dịch vụ chăm sóc SKSS&SKTD, để Việt Nam có dân số và lực lượng lao động khỏe mạnh, đặc biệt là nhóm lao động di cư và nhóm dân tộc thiểu số có điều kiện khó khăn".

 Naomi Kitahara

Với tư cách là cơ quan hỗ trợ các quốc gia thực hiện cam kết tại Hội nghị Quốc tế về Dân số và Phát triển (ICPD) tại Cairo, UNFPA mong muốn các quốc gia trên thế giới, bao gồm cả Việt Nam, đảm bảo “mọi cặp vợ chồng và cá nhân có quyền cơ bản được tự do quyết định một cách có trách nhiệm về số con, thời điểm sinh con và khoảng cách giữa các lần sinh (ICPD Nguyên tắc 8 và Chương trình hành động ICPD, đoạn 7.3).”

Bà Naomi trong chuyến tìm hiểu thực tế về tình hình chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh tại Lai Châu.Bà Naomi trong chuyến tìm hiểu thực tế về tình hình chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh tại Lai Châu.

Cùng lúc đó, dân số Việt Nam đang già hóa với tốc độ ngày càng nhanh do sự suy giảm trong tỷ lệ tử vong và mức sinh. Năm 2020, dân số Việt Nam từ 65 tuổi trở lên chiếm 8%, và theo ước tính đến năm 2036, Việt Nam sẽ chuyển từ quốc gia “đang già hóa” sang quốc gia dân số “già”, trong đó người từ 65 tuổi trở lên sẽ chiếm 14% dân số. Điều này báo trước nguy cơ gia tăng áp lực lên hệ thống bảo trợ xã hội quốc gia, đặc biệt là trong ngành y tế, và tình trạng thiếu lao động trong trung và dài hạn. UNFPA kêu gọi việc cần phải xây dựng một khung pháp lý áp dụng hướng tiếp cận dựa trên vòng đời và mang tính chuyển đổi về giới để bảo vệ các cá nhân trước tuổi già, hướng tới dịch vụ chăm sóc sức khỏe chất lượng cao, phòng chống và ứng phó với bạo lực giới, tạo cơ hội việc làm và đảm bảo về tài chính. UNFPA cũng khuyến nghị việc phát triển hệ sinh thái chăm sóc người cao tuổi tại cộng đồng để cung cấp nhiều lựa chọn chăm sóc cho đối tượng này.

Như đã trình bày ở phần trên việc giải quyết tình trạng bạo lực trên cơ sở giới là cần thiết. Dưới góc độ của những bất cập trong vấn đề bình đẳng giới ở Việt Nam, chúng ta phải nhìn nhận và khắc phục vấn đề thích có con trai và lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới. Theo Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, tỷ số giới tính khi sinh của Việt Nam ước tính khoảng 111,5 trẻ em trai trên 100 trẻ em gái, trong khi mức tự nhiên sinh học là 105 trẻ em trai trên 100 trẻ em gái. Đây là con số cao thứ ba châu Á, chỉ sau Trung Quốc và Ấn Độ, và cho thấy đây là hệ quả của việc lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới trước khi sinh. Tình trạng hiện tại còn cho thấy Việt Nam đang thiếu hụt khoảng 45.900 trẻ em gái mỗi năm. Không được sinh ra vì mang giới tính nữ, đây là hệ lụy của tâm lý ưa thích có con trai (chuẩn mực văn hóa - xã hội), sự sẵn có của công nghệ và việc hạn chế sinh sản.

Tất nhiên không quốc gia nào là không gặp thách thức. Vì đã hoạt động tại Việt Nam trong nhiều thập kỷ, UNFPA hoàn toàn tin tưởng rằng Việt Nam sẽ thành công đạt được các chỉ tiêu kinh tế - xã hội bằng cách giải quyết các vấn đề trên. UNFPA sẽ sát cánh cùng Việt Nam thông qua chia sẻ những phương án chính sách dựa trên bằng chứng và các thực hành quốc tế tốt nhất, không để ai bị bỏ lại phía sau.

Tác giả: QUỲNH ANH

Nguồn tin: baophunuthudo.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây