Ngày Dân số thế giới 11-7: Nâng cao chất lượng dân số trước tác động của đại dịch Covid-19

Thứ hai - 12/07/2021 22:31    Lượt xem: 603

Tuyên truyền cổ động công tác dân số trên địa bàn quận Thanh Xuân

Tuyên truyền cổ động công tác dân số trên địa bàn quận Thanh Xuân
Trước những tác động lâu dài của đại dịch Covid-19 đối với vấn đề dân số, Ngày Dân số thế giới 11-7 năm nay, Quỹ Dân số của Liên hợp quốc (UNFPA) đã lựa chọn chủ đề "Hãy cùng hành động vì quyền và sự lựa chọn của phụ nữ và trẻ em gái".
Tuyên truyền cổ động công tác dân số trên địa bàn quận Thanh Xuân.

Tác động của đại dịch đến sức khỏe sinh sản

Theo một nghiên cứu của UNFPA thực hiện vào tháng 3-2021, ước tính 12 triệu phụ nữ trên thế giới đã gặp gián đoạn trong tiếp cận dịch vụ kế hoạch hóa gia đình do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Đại dịch đã làm tê liệt hệ thống chăm sóc sức khỏe, đặc biệt trong lĩnh vực sức khỏe sinh sản ở nhiều nước trên thế giới.

Bà Naomi Kitahara, Trưởng đại diện của UNFPA tại Việt Nam lo ngại, trong đại dịch, những người dù có khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản vẫn trì hoãn việc sinh con do lo lắng về bất ổn tài chính và khủng hoảng. Đồng thời, một số khác lại bị gián đoạn trong việc tiếp cận các phương tiện tránh thai cộng với lệnh phong tỏa, cách ly nên đối mặt với nguy cơ có thai ngoài ý muốn...

"Nhân Ngày Dân số thế giới năm nay, UNFPA đã kêu gọi: Chúng ta hãy hành động để xóa bỏ những khoảng cách này vì các dịch vụ sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục là hết sức thiết yếu. Thậm chí, nếu hệ thống chăm sóc sức khỏe có khó khăn tới đâu, thì những dịch vụ này không thể bị coi nhẹ. Bất cứ sự trì hoãn nào cũng sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, cuộc sống của phụ nữ và trẻ em gái. Những hậu quả đó có thể kéo dài trong suốt cuộc đời của họ", bà Naomi Kitahara nói.

Vậy, hiện tại, Việt Nam có bị ảnh hưởng nhiều trong việc tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản? Về vấn đề này, theo ông Đinh Huy Dương, Vụ trưởng Vụ Truyền thông giáo dục, Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế), dù Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp tại nước ta, nhưng hoạt động chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình, như: Khám thai định kỳ, khám sàng lọc trước sinh, sau sinh, cung cấp các biện pháp tránh thai, điều trị bệnh phụ khoa... tại các cơ sở y tế công lập và tư nhân đều hoạt động bình thường.

Còn tại Hà Nội, ông Tạ Quang Huy, Chi Cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình Hà Nội cho biết: Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 xảy ra, Hà Nội vẫn duy trì công tác truyền thông, tư vấn chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình, cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, các biện pháp tránh thai... cho phụ nữ thông qua các kênh truyền thông, cung cấp dịch vụ theo đúng quy trình khám, chữa bệnh của Bộ Y tế, bảo đảm phòng, chống dịch bệnh.

Bà Quý Thị Vân, cộng tác viên dân số thôn Gạch, xã Sơn Đồng, huyện Hoài Đức cho biết, dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp nên các buổi truyền thông đông người đã được cộng tác viên dân số thôn Gạch thay bằng truyền thông vận động trực tiếp nhóm nhỏ đến từng hộ gia đình. 

Chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ khi mang thai.

Thu hẹp chênh lệch mức sinh giữa các vùng miền

Theo Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế), sau 10 năm, quy mô dân số Việt Nam tăng thêm 10,4 triệu người. Số con trung bình mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ đã giảm mạnh từ 6,39 con năm 1960, xuống 2,33 con năm 1999, đến 2019 là 2,09 con/phụ nữ, dưới mức sinh thay thế. Điều này cho thấy, Việt Nam vẫn duy trì mức sinh ổn định trong hơn một thập kỷ qua, xu hướng sinh 2 con ở Việt Nam là phổ biến.

Tuy nhiên, công tác dân số và kế hoạch hóa gia đình vẫn còn nhiều hạn chế, đó là các vấn đề: Mức sinh giữa các vùng còn chênh lệch đáng kể; quy mô dân số lớn, mật độ dân số cao và tiếp tục tăng; mất cân bằng giới tính khi sinh đang ở mức nghiêm trọng và ngày càng lan rộng...

Theo ông Đinh Huy Dương, để giải quyết tình trạng chênh lệch mức sinh giữa các vùng, duy trì vững chắc mức sinh thay thế, ngành dân số đã có sự điều chỉnh, hoàn thiện các chính sách hỗ trợ, khuyến khích phù hợp với mức sinh của từng vùng. Đặc biệt, để giải quyết bài toán về nâng mức sinh tại những vùng có mức sinh thấp, Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình đã triển khai các giải pháp tổng hợp, đồng bộ, hiệu quả để khuyến khích người dân sinh đủ 2 con. Trong đó đề xuất bãi bỏ các quy định của các tổ chức, cơ quan, đơn vị, cộng đồng liên quan đến mục tiêu giảm sinh; sửa đổi, bổ sung các chính sách hỗ trợ, khuyến khích các cặp vợ chồng sinh đủ 2 con; chú trọng các đối tượng ưu tiên, người lao động tại khu công nghiệp, khu kinh tế để khuyến khích sinh đủ 2 con tại địa phương.

Theo báo cáo của Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình Hà Nội, trong 6 tháng đầu năm 2021, số sinh trên địa bàn thành phố là 46.727 trẻ (giảm 1.948 trẻ so với cùng kỳ năm trước), số sinh con thứ 3 trở lên là 3.476 trẻ (giảm 207 trẻ so với cùng kỳ năm trước); tỷ số giới tính khi sinh 113,3 trẻ trai/100 trẻ gái. Tỷ lệ sàng lọc trước sinh là 83,88%, sàng lọc sơ sinh là 84,85%. Ngoài ra, số người mới áp dụng các biện pháp tránh thai là 399.170 người (đạt 105,1%) 

Để đạt được các kết quả tích cực, theo ông Tạ Quang Huy, đó là nhờ sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của thành phố, Ban Chỉ đạo công tác dân số thành phố, các quận, huyện, thị xã; các cấp ủy Đảng, chính quyền cơ sở và đội ngũ cán bộ làm công tác dân số các cấp. Ngày Dân số thế giới năm nay cũng là dịp để các cấp, các ngành, đoàn thể, quần chúng nhân dân Thủ đô ra sức thực hiện chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình, các chương trình, giải pháp giảm sinh bền vững, nâng cao chất lượng dân số, xây dựng quy mô gia đình nhỏ, hạnh phúc và phát triển bền vững.

Tác giả: XUÂN LỘC

Nguồn tin: hanoimoi.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây