Chi cục Dân số Hà Nộihttps://dskhhgdhanoi.gov.vn/uploads/logo-icon-removebg-preview.png
Thứ ba - 20/09/2022 02:56Lượt xem: 424
Thực hiện kế hoạch số 249/KH-CCDS ngày 18/7/2022 của Chi cục Dân số thành phố Hà Nội về việc tổ chức truyền thông tư vấn bệnh tan máu bẩm sinh cho học sinh các trường phổ thông trên địa bàn năm 2022.
Trung tâm Y tế Thạch Thất phối hợp với Bệnh viện Huyết học &Truyền máu Trung ương, Trường Phổ thông Trung học Bắc Lương Sơn tổ chức buổi truyền thông về bệnh tan máu bẩm sinh (Thalassemia) với mục đích tuyên truyền, cung cấp thông tin về bệnh tan máu bẩm sinh đến, phụ huynh, giáo viên, học sinh các khối lớp 10,11,12 nhằm đẩy mạnh các hoạt động nâng cao chất lượng dân số. Hoạt động được thực hiện vào buổi sáng và buổi chiều ngày 19/9/2022. Bác sĩ Nguyễn Thị Chi và bác sỹ Phí Nguyệt Anh của Bệnh viện Huyết học & Truyền máu Trung ương đã trực tiếp phổ biến, cung cấp những kiến thức cơ bản về bệnh tan máu bẩm sinh cho phụ huynh, giáo viên và học sinh toàn trường.
Phụ huynh, giáo viên, học sinh các khối lớp 10,11,12 tham gia buổi truyền thông về bệnh tan máu bẩm sinh (Thalassemia) Thalassemia là bệnh thiếu máu mạn tính, do tan máu, bệnh di truyền từ bố mẹ sang cho con, những người khỏe mạnh bình thường cũng có thể mang gen bệnh. Nếu hai người mang gen bệnh kết hôn với nhau, có khả năng sẽ sinh ra những trẻ bị bệnh. Bệnh Tan máu bẩm sinh (Thalassemia) là bệnh di truyền lặn trên nhiễm sắc thể thường, do vậy tỷ lệ nam và nữ bị bệnh như nhau. Nếu hai vợ chồng cùng mang gene bệnh, mỗi lần sinh có 25% khả năng con bị bệnh, 50% khả năng con mang gene bệnh (không bị bệnh nhưng có khả năng di truyền bệnh cho thế hệ sau), 25% khả năng con khỏe mạnh không mang gene bệnh.
Theo số liệu thống kê, Việt Nam có khoảng 12 triệu người mang gen bệnh. Mỗi năm có thêm khoảng 8.000 trẻ em sinh ra bị bệnh Thalassemia, trong đó khoảng 2.000 trẻ bị bệnh mức độ nặng và khoảng 800 trẻ không thể ra đời do phù thai. Chi phí điều trị trung bình cho một bệnh nhân thể nặng từ khi sinh ra tới 30 tuổi hết khoảng 3 tỷ đồng. Ước tính, mỗi năm, cả nước cần có trên 2.000 tỷ đồng (tối thiểu) và khoảng 500.000 đơn vị máu an toàn để cho tất cả bệnh nhân Thalassemia có thể được điều trị, đặt ra gánh nặng lớn cho gia đình người bệnh và xã hội./.
Học sinh các khối lớp 10,11,12 của Trường Phổ thông Trung học Bắc Lương Sơn được phát những tài liệu để tìm hiểu về bệnh tan máu bẩm sinh (Thalassemia)
Tác giả: Nguyễn Thị Thu Hà
Nguồn tin: (TTYT huyện Thạch Thất)
Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://dskhhgdhanoi.gov.vn là vi phạm bản quyền