Chi cục Dân số Hà Nộihttps://dskhhgdhanoi.gov.vn/uploads/logo-icon-removebg-preview.png
Thứ hai - 13/04/2015 03:28Lượt xem: 2192
Tính đến hết năm 2014, tỷ số giới tính khi sinh của Hà Nội vẫn đang ở mức cao 114,5 trẻ trai/100 trẻ gái. Hà Nội đang phấn đấu thực hiện mục tiêu giảm số người sinh con thứ ba và chênh lệch giới tính khi sinh, nâng cao chất lượng dân số, duy trì mức sinh thấp hợp lý, giải quyết tốt những vấn đề cơ cấu dân số và phân bổ dân cư.
Chênh lệch giới tính và già hóa dân số
Theo báo cáo của Cục Thống kê thành phố, Hà Nội đã bước vào thời kỳ cơ cấu dân số vàng, tạo điều kiện cung ứng nguồn nhân lực dồi dào cho các hoạt động kinh tế-xã hội của Thủ đô. Tuy nhiên, cơ cấu dân số hiện thay đổi theo hướng tăng tỷ lệ người cao tuổi, giảm dần tỷ lệ trẻ em dưới 16 tuổi. Như vậy, cơ cấu dân số của thành phố đang thay đổi theo xu hướng già hóa dân số.
Bên cạnh việc già hóa, dân số Hà Nội cũng đang đứng trước vấn đề đáng lo ngại là cơ cấu về giới tính, đặc biệt là tỷ số giới tính khi sinh (số trẻ là nam/100 trẻ nữ) đang ở mức cao và có xu hướng tiếp tục gia tăng.
Theo kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở ngày 1/4/2009, tỷ số giới tính khi sinh của Hà Nội là 113 trẻ trai/100 trẻ gái, có địa phương là 130/100. Năm 2011 là 116 trẻ trai/100 trẻ gái; năm 2012 là 116/100; năm 2013 là 114,5/100; năm 2014 tỷ số giới tính khi sinh là 114,5/100. Có 8/29 quận, huyện, thị xã ở mức cao hơn 120/100 bao gồm Sóc Sơn, Sơn Tây, Đan Phượng, Phúc Thọ, Hoài Đức, Chương Mỹ, Phú Xuyên, Mỹ Đức.
Tình trạng tăng dân số cơ học cũng tiếp tục ở mức cao (trên 100.000 người/năm), trong đó chủ yếu thuộc đối tượng trong độ tuổi lao động đã tạo ra áp lực lớn trong việc thực hiện chính sách DS-KHHGĐ ở Thủ đô.
Nâng cao chất lượng dân số và kiểm soát tỷ số giới tính khi sinh
Trong giai đoạn 2016-2020, thành phố Hà Nội đặt ra mục tiêu nâng cao chất lượng dân số; duy trì mức sinh thấp hợp lý và kiểm soát tốc độ tăng tỷ số giới tính khi sinh thông qua việc thực hiện nhiều giải pháp.
Đó là triển khai chiến lược dân số và sức khỏe sinh sản cùng đề án sàng lọc trước sinh và sơ sinh giai đoạn 2016-2020; hỗ trợ việc chuyển giao công nghệ nhằm mở rộng dịch vụ sàng lọc trước, sau sinh và điều trị các bệnh khuyết tật về gen, bệnh hiểm nghèo; chú trọng việc tuyên truyền tư vấn trực tiếp và cung cấp các tài liệu đối với các nhóm đối tượng có nguy cơ cao làm suy giảm chất lượng giống nòi; hoàn thiện và mở rộng các mô hình đã và đang được thử nghiệm; nghiên cứu, xây dựng và thử nghiệm một số mô hình mới.
Để duy trì mức sinh thấp hợp lý, cần tăng cường tuyên truyền, vận động tạo dư luận xã hội ủng hộ, chấp nhận và thực hiện quy mô gia đình ít con; tổ chức các mô hình truyền thông phù hợp với tính chất, đặc điểm và điều kiện của mỗi ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội.
Ngoài ra, thực hiện giáo dục dân số, giới và giới tính, kế hoạch hóa gia đình phù hợp với các lớp học, cấp học; đảm bảo số lượng, chất lượng dịch vụ sức khỏe sinh sản/kế hoạch hóa gia đình thuận tiện, kịp thời thông qua nhiều kênh cung cấp có hiệu quả và đến mọi đối tượng sử dụng; có biện pháp cụ thể đối với vùng mức sinh thấp, chưa ổn định và vùng có mức sinh cao.
Đối với vấn đề kiểm soát tốc độ tăng tỷ số giới tính khi sinh, thành phố triển khai hiệu quả đề án kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh đến năm 2020; thực hiện đồng bộ các giải pháp tuyên truyền, vận động và giáo dục về giá trị của trẻ em gái, về bình đẳng giới và vị trí, vai trò của nữ giới trong sự phát triển bền vững với xã hội và gia đình.
Thành phố cũng hoàn thiện và thực thi chính sách pháp luật liên quan đến giới và giới tính khi sinh; tăng cường kiểm tra, giám sát nhằm ngăn chặn các hành vi lựa chọn giới tính khi sinh, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về chẩn đoán lựa chọn giới tính khi sinh để giáo dục, răn đe, tạo dư luận xã hội sớm ngăn chặn các hành vi này…
Ông Tạ Quang Huy, Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ Hà Nội cho biết, 4 năm qua, chất lượng dân số của Hà Nội đã từng bước được nâng lên, chỉ số HDI (chỉ số phát triển con người) hiện cao hơn chỉ số HDI của cả nước.
Theo báo cáo điều tra mẫu, dự kiến tuổi thọ trung bình của Hà Nội năm 2013 là 75 tuổi (nam là 72,6 tuổi, nữ là 77,6 tuổi). Hà Nội đã triển khai hiệu quả nhiều mô hình nâng cao chất lượng dân số như mô hình chăm sóc người cao tuổi tại cộng đồng; mô hình chăm sóc sức khỏe vị thành niên; mô hình chăm sóc sức khỏe phụ nữ quanh tuổi mãn kinh.
Cũng theo báo cáo, mô hình tư vấn và kiểm tra sức khỏe tiền hôn nhân; mô hình chăm sóc sức khỏe cho nam giới; mô hình ứng dụng công nghệ thông tin quản lý dữ liệu DS-KHHGĐ; mô hình can thiệp truyền thông về chăm sóc sức khỏe sinh sản/kế hoạch hóa gia đình tới vùng dân cư đặc thù, qua đó góp phần nâng cao chất lượng dân số Thủ đô.
Tuy nhiên, hiện nay, công tác DS-KHHGĐ của Hà Nội đang phải đối mặt với những thách thức như mất cân bằng giới tính khi sinh gia tăng, tỷ lệ giảm sinh chưa bền vững.
Trong khi khu vực ngoại thành có cơ cấu dân số trẻ thì tốc độ dân số già hóa nhanh ở các quận; tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng tập trung cao ở vùng xa, vùng nghèo và địa bàn khó khăn; tỷ lệ nạo phá thai cao ảnh hưởng tới việc nâng cao chất lượng dân số… đang cần sự vào cuộc của các cấp, các ngành và sự tự giác thực hiện của mỗi người dân.