Chi cục Dân số Hà Nộihttps://dskhhgdhanoi.gov.vn/uploads/logo-icon-removebg-preview.png
Chủ nhật - 18/02/2024 20:22Lượt xem: 238
Thế giới đang thay đổi nhanh chóng, nhất là sau đại dịch COVID-19 với những tác động mạnh mẽ đến nhiềumặt của đời sống xã hội, trong đó, gia đình cũng như vai trò của phụ nữ, trẻ em gái đang thay đổi.
Bất bình đẳng giới vẫn còn dai dẳng
Gia đình là hạt nhân của xã hội và là một phần quan trọng để vận hành cộng đồng và nền kinh tế phát triển. Gia đình nuôi dưỡng tình yêu thương, vun đắp tình cảm của cá nhân; là cội nguồn và bản sắc của mỗi con người.
Tuy nhiên, mặt trái của sự phát triển cùng tư tưởng “trọng nam khinh nữ”, đáng buồn là chính trong môi trường gia đình, không ít phụ nữ và trẻ em gái thường xuyên phải đối mặt với bạo lực và phân biệt đối xử. Theo thống kê, cứ 3 phụ nữ lại có 1 người có thể bị lạm dụng về thể xác và tình dục bởi chính người bạn tình trong suốt cuộc đời họ.
Ở một số quốc gia, con gái không được thừa kế tài sản; bị pháp luật yêu cầu phải tuân theo chồng; bị tước đi tiếng nói và quyền làm chủ cuộc đời mình. Theo ước tính, khoảng 650 triệu trẻ em gái và phụ nữ đã kết hôn trước năm 18 tuổi. Sống thử trước hôn nhân cũng đang trở nên phổ biến ở một số nơi. Ngay cả khi các mối quan hệ được tự do lựa chọn thay vì được sắp xếp, nam giới có trình độ học vấn cao có xu hướng tìm phụ nữ có trình độ học vấn tương đương. Sự hình thành mối quan hệ hôn nhân nhiều khi củng cố sự bất bình đẳng ở khía cạnh khác, kiểu người da trắng có xu hướng kết hôn với nhau.
Trình độ học vấn của phụ nữ tăng lên, tỷ lệ sinh giảm và những thay đổi trong các chuẩn mực xã hội đã mang lại nhiều cơ hội việc làm có thu nhập, thậm chí thu nhập cao cho phụ nữ. Khả năng tiếp cận các nguồn lực ngày càng tăng của phụ nữ đã tạo ra một số thay đổi quan trọng trong “cán cân quyền lực” ở gia đình, giúp phụ nữ có tiếng nói hơn trong việc ra quyết định chung.
Nhưng vẫn tồn tại nghịch lý khi vai trò trong gia đình của phụ nữ không đi kèm với sự gia tăng tương xứng đóng góp của nam giới đối với công việc chăm sóc không được trả lương trong gia đình. Ở nhiều nước đang phát triển, phụ nữ đang phải di cư để tìm việc làm nhưng công việc chủ yếu là làm giúp việc gia đình, người chăm sóc trẻ, chăm sóc người bệnh, người già. Họ có ít lựa chọn và phải làm việc với mức lương thấp. Thật đau lòng khi họ đi chăm sóc người khác, phải giao việc chăm sóc con cái của mình cho người thân, thậm chí là người giúp việc gia đình thuê từ các vùng nông thôn nghèo hơn. Những thay đổi về chuẩn mực xã hội cùng với các phương pháp tránh thai và kế hoạch hóa gia đình ngày càng nhiều, càng hiệu quả giúp phụ nữ kiểm soát tốt hơn vấn đề tình dục và sinh sản của mình.
Một số phụ nữ “vô sinh về mặt y tế” hiện nay có thể chọn công nghệ sinh sản hoặc mang thai hộ. Tuy nhiên, công nghệ hỗ trợ sinh sản và mang thai hộ thương mại được trải nghiệm khác nhau và không bình đẳng. Thường là phụ nữ thuộc các nhóm xã hội nghèo hơn tham gia các thỏa thuận mang thai hộ thương mại quốc tế để sinh con dành cho những người giàu có hơn, những người không thể hoặc không muốn tự mình làm như vậy.
Những thay đổi trong các mối quan hệ tình cảm Trong ba thập kỷ vừa qua, phụ nữ và nam giới đã có nhiều sự thay đổi trong cách xây dựng các mối quan hệ tình cảm. Xu hướng chung trên toàn cầu hiện nay là cả phụ nữ và nam giới đều có xu hướng trì hoãn hôn nhân. Điều này cho phép phụ nữ hoàn thành việc học tập, có được chỗ đứng vững chắc hơn trong thị trường lao động cũng như có khả năng tự chủ về tài chính. Cùng với đó, nhiều cặp đôi chọn cách sống thử, thậm chí ở một số nơi, phụ nữ còn lựa chọn từ chối kết hôn. Những quyết định này có thể do điều kiện bắt buộc, cũng như từ sự lựa chọn cá nhân khi chi phí gây dựng gia đình trở nên đắt đỏ đối với một số cặp đôi. Điều này cũng có thể phản ánh sự do dự ngày một cao của phụ nữ trước việc tham gia vào các mối quan hệ mà ở đó họ sẽ bị đặt vào vị trí phải phục tùng.
Tỷ lệ ly hôn tăng cao là một trong những đặc điểm dễ thấy nhất của xu hướng thay đổi cấu trúc các gia đình ở hầu hết các khu vực kể từ những năm 1980. Sự cởi mở hơn trong các quy định liên quan đến ly hôn ở một số nước phát triển dẫn đến việc giảm tỷ lệ tự tử của phụ nữ, tỷ lệ bạo lực gia đình được báo cáo thấp hơn và các trường hợp phụ nữ bị chồng sát hại cũng xảy ra ít hơn. Tuy nhiên, tỷ lệ ly hôn và ly thân tăng cũng có thể dẫn đến các hậu quả gây tổn thương khác cho phụ nữ. Kết thúc một mối quan hệ thường kéo theo những hậu quả kinh tế bất lợi hơn nhiều đối với phụ nữ so với nam giới.
Thường xuyên, phụ nữ mất đi quyền tiếp cận tài sản hôn nhân, các nguồn lực hoặc thậm chí quyền nuôi con Tiếng nói và quyền tự quyết định của phụ nữ Sinh con để duy trì nòi giống là một trong những khía cạnh quan trọng của cuộc sống gia đình. Tuy nhiên, đây cũng là “khu vực” chứng kiến nhiều sự chuyển biến lớn. Trên toàn thế giới, tỷ suất sinh đang giảm dù tốc độ thay đổi có sự khác nhau giữa các khu vực. Một mặt sự thay đổi này chỉ ra rằng phụ nữ có nhiều quyền tự quyết hơn, có tiếng nói hơn trong việc đưa ra quyết định liên quan đến vấn đề sinh sản như nhu cầu sinh nở, khi nào có con và sinh bao nhiêu con.
Mặt khác, tỷ suất sinh giảm ở một số vùng cũng chỉ ra rằng phụ nữ và nam giới có thể sinh ít con hơn so với mong muốn. Các cặp vợ chồng có thể hạn chế sinh con do những điều kiện kinh tế khiến cho việc nuôi con trở nên tốn kém và khó khăn hoặc do sự thiếu vắng các dịch vụ chăm sóc dài hạn chất lượng cao, và họ còn có cha mẹ già cần được chăm sóc.
Phụ nữ cũng có thể chọn sinh ít con hơn bởi nam giới vẫn không san sẻ một cách công bằng các công việc chăm sóc và việc nhà không lương. Hiểu rõ các mối quan hệ trên cơ sở giới trong gia đình, các cấu trúc gia đình đa dạng trên khắp các khu vực, qua thời gian và thậm chí là trong chính quãng đời của phụ nữ và nam giới, là cơ sở thiết yếu cho việc hoạch định chính sách
Tác giả: Uyên Nhi (Theo UN Women)
Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://dskhhgdhanoi.gov.vn là vi phạm bản quyền