Chi cục Dân số Hà Nộihttps://dskhhgdhanoi.gov.vn/uploads/logo-icon-removebg-preview.png
Thứ hai - 23/03/2015 04:44Lượt xem: 2101
Ngày 12/02/2015 tại Hà Nội, Tổng cục Dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) phối hợp với Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc tại Việt Nam (UNFPA) tổ chức Hội thảo “Góp ý dự thảo Luật Dân số” (lần 2).
Tham dự và chủ trì hội thảo có GS. TS. Nguyễn Việt Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế; ông Nguyễn Văn Tân, Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục DS- KHHGĐ; ông Arthur Erken, Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam cùng các đại biểu từ các Bộ, ban ngành đoàn thể, tổ chức trong và ngoài nước. Tại Hội thảo các ý kiến được tập trung vào các nội dung chính sau:
Về quan điểm, mục tiêu
Luật dân số phải cụ thể hóa được quy định của Hiến pháp 2013 trong lĩnh vực dân số, quy định về nhân quyền.
Luật phải được đặt trong khung cảnh: nền kinh tế thị trường định hướng XHCN; hội nghị quốc tế sâu rộng cả về kinh tế, pháp luật, khoa học kỹ thuật sinh sản tiến bộ nhanh; trong bối cảnh Việt Nam chuyển từ số lượng sang chất lượng dân số và Luật phải hài hòa lợi ích cá nhân, gia đình, dòng họ và xã hội.
Tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho việc duy trì mức sinh thấp hợp lý và nâng cao chất lượng dân số
Luật dân số là luật chuyên ngành vì thế cần có chế tài bổ sung điều xử lý vi phạm theo các hành vi bị nghiêm cấm.
Về kết cấu
Kết cấu dự thảo luật tương đối phù hợp, tuy nhiên còn thiếu tính logic cần bổ sung cho đầy đủ, toàn diện.
Bổ sung nội dung mục đích của công tác dân số.
Về phạm vi điều chỉnh của Luật
Phạm vi điều chỉnh như dự thảo phù hợp
Lựa chọn giải thích từ ngữ ngắn gọn
Chính sách của Nhà nước về dân số nhưng theo dự thảo đây là trách nhiệm của cơ quan, tổ chức về dân số.
Trách nhiệm của cơ quan tổ chức về dân số nên quy định chung đưa vào chương quản lý nhà nước.
Cần tính kỹ đến việc không để chồng chéo, trùng lặp hoặc có những điểm mẫu thuẫn với các luật khác đã có, mặt khác cũng cần tính đến yếu tố khả thi của luật.
Đảm bảo tính hợp hiến, tính đồng bộ, thống nhất với hệ thống luật
Cần giữ trách nhiệm của Nhà nước và xã hội trong công tác KHHGĐ
Việc sử dụng biện pháp hành chính trong quản lý công tác dân số như định hướng di dân chưa phù hợp.
Nội dung khám sức khỏe tiền hôn nhân quy định là quyền tuy nhiên nội dung lại là quy định mang tính bắt buộc.
Buộc phải di chuyển nơi cư trú chưa phù hợp với Hiến pháp năm 2013 về quyền công dân như tự do đi lại và cư trú.
Một số quy định chưa thống nhất với các luật hiện hành như Luật khám chữa bệnh, Luật dược, Luật hôn nhân và gia đình, v.v.
Quy định biện pháp tránh thai phải có quy định của pháp luật về tiêu chuẩn, vì thế quy định này chưa thống nhất với Luật tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật vì Luật tiêu chuẩn, quy chuẩn chỉ áp dụng đối với sản phẩm hàng hóa, dịch vụ mà không áp dụng đối với biện pháp tránh thai.
Xem xét Luật sở hữu trí tuệ và Bộ khoa học công nghệ về chuyển giao công nghệ bắt buộc theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước về dân số.
Một số quy định đối với Luật khám bệnh, chữa bệnh: Người sử dụng biện pháp tránh thai có tác dụng lâu dài nếu bị tai biến thì được điều trị tai biến miễn phí theo quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh; cơ sở cung cấp dịch vụ phá thai; cơ sở khám sức khỏe tiền hôn nhân; sàng lọc, chẩn đoán, điều trị trước sinh; đây là cơ sở thực hiện các vấn đề liên quan đến chuyên môn, nghiệp vụ y tế do cơ sở khám bệnh, chữa bệnh vì thế cần phải thành lập, tổ chức, hoạt động.
Đối với Luật hôn nhân và gia đình, điều kiện kết hôn không quy định vấn đề khám sức khỏe tiền hôn nhân (trường hợp có nguy cơ cao ảnh hưởng đến việc mang thai, sinh con hoặc có nguy cơ cao bị bệnh tật bẩm sinh) theo dự thảo các trường hợp nêu trên như thế nào? Có bị cấm kết hôn?
Cân nhắc không quy định dự thảo buộc phải di chuyển nơi cư trú vì mục đích quốc phòng an ninh, phát triển kinh tế- xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; vì bảo đảm an toàn công trình văn hóa, bảo vệ sức khỏe tính mạng cho người dân theo quy định của pháp luật và nơi cư trí trái pháp luật.
Không đưa vào dự thảo cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã được quy định
Cha, mẹ quyết định việc sử dụng biện pháp tránh thai đối với người không có năng lực hành vi dân sự.
Về sự phù hợp với các Điều ước quốc tế
Chương trình hành động ICPD nhấn mạnh tới việc đảm bảo quyền được tiếp cận các biện pháp an toàn, có chất lượng và chi phí thấp (hoặc miễn phí) dự thảo đã đưa ra các quy định về hình thức cung cấp miễn phí biện pháp tránh thai cho các đối tượng nghèo, đối tượng chính sách
Tiếp cận các thông tin dịch vụ về dân số: nội dung để đảm bảo quyền tiếp cận là việc quy định về trách nhiệm công khai thông tin (nghĩa vụ công khai về giấy phép hành nghề và cơ sở y tế được phép làm dịch vụ phá thai).
Quy định Chính phủ: “Ban hành chính sách khuyến khích lợi ích vật chất và tinh thần cho các cặp vợ chồng, cá nhân chủ động kiểm soát sinh sản”. Cân nhắc việc chỉ coi tỷ lệ phụ nữ sử dụng biện pháp tránh thai (mà không tính đến tỷ lệ nam giới). Quy định như vậy có thể dẫn đến việc coi phụ nữ là người có trách nhiệm chính trong việc sử dụng biện pháp tránh thai và như vậy là không phù hợp với công ước CEDAW và ICDP là cần “tăng cường sự tham gia và chia sẻ có trách nhiệm của nam giới trong thực hiện KHHGĐ”
Quy định về điều kiện phá thai cần phải được sự đồng ý của người chồng hoặc việc bắt buộc phải có chứng minh thư nhân dân hoặc địa chỉ nơi cư trú… Điều này cần được lý giải rõ hơn dưới góc độ bảo vệ quyền của phụ nữ. Việc quy định quá chặt chẽ các điều kiện nạo, phá thai có thể dẫn tới phá thai chui, không an toàn. Trong khi Công ước CEDAW quy định quyết định của phụ nữ về việc có con hay không nên tiến hành với sự tham khảo ý kiến của chồng hay người cùng chung sống.
Thiếu quy định về chính sách bảo đảm cho đại đa số người dân được tiếp cận các biện pháp tránh thai an toàn, có chất lượng và chi phí thấp.
Để duy trì mức sinh thay thế, cần có biện pháp kiểm soát mức sinh thông qua công tác kế hoạch hóa gia đình.
Dự thảo là gián tiếp quy định số con, hạn chế quyền con người
Những kinh nghiệm và khuyến nghị của hội thảo giúp hoàn thiện dự thảo Luật Dân số phù hợp với giai đoạn mới. Tiếp thu ý kiến của các Bộ, ban ngành, các đại biểu và các nhà khoa học tham dự hội thảo, tổ chức UNFPA và các tổ chức quốc tế chọn lọc đưa vào Luật Dân số những nội dung cần thiết, đang còn khoảng trống pháp lý, tránh xung đột, trùng lặp với các luật khác.