Ma túy “núp bóng” thuốc lá điện tử xâm nhập học đường

Thứ năm - 18/04/2024 21:42    Lượt xem: 6
Trước mức độ phổ biến ngày một tăng của thuốc lá điện tử, nhiều phụ huynh lo ngại điều tương tự sẽ xảy ranhư với thuốc lá truyền thống, trẻ dưới 18 tuổi dễ dàng mua và sử dụng bất chấp quy định giới hạn độ tuổi.Với nhiều kiểu ngụy trang, dễ sử dụng, dễ mua bán, ma túy thế hệ mới, “núp bóng” dưới dạng thuốc lá điệntử đang xâm nhập học đường.
Thuốc lá điện tử xâm nhập học đường Khác với thuốc lá điện tử (TLĐT), thuốc lá truyền thống (TLTT) đã được Nhà nước quản lý cho bán trên thị trường. Theo đó, Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá quy định cấm bán thuốc lá phía ngoài cổng nhà trẻ, trường mẫu giáo, trường tiểu học, trung học cơ sở, phổ thông trung học trong phạm vi 100m tính từ ranh giới khuôn viên gần nhất của cơ sở đó và cấm quảng cáo thuốc lá dưới mọi hình thức, cấm bán cho trẻ dưới 18 tuổi.
Tuy nhiên, theo kết quả nghiên cứu về các vi phạm trong hoạt động bán, quảng cáo và khuyến mại thuốc lá xung quanh trường học (được thực hiện tại 210 trường học ở các quận trung tâm ở Hà Nội và TPHCM) của Trung tâm Nghiên cứu Chính sách và Phát triển, trong phạm vi bán kính 100m xung quanh trường học, các điểm bán thuốc lá xuất hiện dày đặc. Có tổng cộng 2.670 điểm bán thuốc lá trong phạm vi bán kính 100m được phát hiện xung quanh các trường học được nghiên cứu. Trung bình có 12,7 điểm bán lẻ thuốc lá xung quanh mỗi trường. Trong đó, các điểm bán thuốc lá phổ biến nhất là ven đường, cửa hàng tạp hóa và quán cà phê. Bất chấp luật cấm, trẻ dưới 18 tuổi vẫn có thể mua và dùng các sản phẩm thuốc lá truyền thống. Nhiều phụ huynh e ngại điều tương tự sẽ xảy ra với thuốc lá điện tử và đề nghị Nhà nước cần đưa ra quy định cấm hoàn toàn các sản phẩm này.
rsz tldt min
Ảnh minh họa
Cần trang bị kiến thức về tác hại TLĐT cho giới trẻ
Chị Hà (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, có hai con học lớp 6 và lớp 8) bày tỏ sự lo lắng khi TLĐT ngày càng phổ biến trong giới trẻ, hình dạng được ngụy trang khéo léo để qua mắt người lớn, học sinh có thể mua được ngay tại các cổng trường. Chị cho biết, nếu không có sự kiểm soát chặt chẽ, các cửa hàng bán TLĐT sẽ mọc lên như nấm, làm thế nào để kiểm soát trẻ em sẽ tránh xa các sản phẩm này?” Ngay từ đầu cấp 3, Hồng Vy - học sinh lớp 10 trường THPT Tây Hồ - đã bắt gặp các bạn đồng trang lứa ở trường hút TLĐT.
Theo các bạn của Vy, đó là hành động thể hiện sự đua đòi, muốn chứng tỏ mình “ngầu”, ăn chơi. Vy chọn cách khuyên can bạn. “Em nghĩ rằng, mỗi bạn học sinh nên trang bị cho mình kiến thức để tự bảo vệ bản thân khỏi những trào lưu xấu như hút TLĐT. Khi có đủ nhận thức và tâm lý vững vàng, không ai có thể lôi kéo mình được”, nữ sinh nói.
Theo điều tra của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) với gần 7.800 học sinh trong độ tuổi 13 - 17 tại 34 tỉnh, thành phố của Việt Nam cho thấy, tỉ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong học sinh vào năm 2019 là 2,6%, nhưng đến năm 2022 đã tăng lên 3,5%. Điều này tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe người sử dụng. Đã có nhiều minh chứng cho thấy tác hại của TLĐT đối với sự phát triển của học sinh. Đầu năm 2022, 4 học sinh của trường THPT Hà Đông (Hà Nội) phải nhập viện cấp cứu vì liên quan đến thuốc lá điện tử (TLĐT). Cuối tháng 9/2022, một nữ sinh 14 tuổi ở Lạng Sơn suýt mất mạng sau khi thử hút TLĐT của bạn học. Tháng 7/2022, một nữ sinh viên 20 tuổi ở Hà Nội rơi vào hôn mê sâu, tổn thương não, tổn thương gan... cũng do loại thuốc lá thế hệ mới này.
PGS-TS Lương Ngọc Khuê - Phó Chủ tịch Hội đồng Y khoa quốc gia, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh kiêm Giám đốc Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá (Bộ Y tế) cho biết: “Các ca ngộ độc ma túy thế hệ mới (có trong thuốc lá điện tử) là tình trạng rất nặng với những biểu hiện co giật, kích thích, vật vã, ảo giác, không kiểm soát được hành vi, tổn thương não và nhiều cơ quan khác. Đáng chú ý, các mẫu xét nghiệm ma túy có trong thuốc lá điện tử trước đây thường chỉ phát hiện 1 chất, chứ không trộn đến 4 chất như gần đây. Khi thuốc lá điện tử phối trộn thêm các chất lạ, chất kích thích, ma túy thì không thể lường trước hậu quả và có thể dẫn tới những hệ lụy đau lòng, trong khi đối tượng sử dụng hầu hết là người trẻ, học sinh”.
Vì thế, PGS Khuê mong muốn tuyên truyền phòng chống tác hại của thuốc lá, thuốc lá điện tử đến từng học sinh từ mầm non đến đại học, từng giáo viên, nhân viên làm việc trong trường học, để mọi người nhận thức được tác hại của thuốc lá điện tử, góp phần xây dựng môi trường học đường không khói thuốc. Ngoài ra, các bậc phụ huynh cũng cần quan tâm sát sao và đồng hành cùng trẻ. “Tôi nghĩ ngoài ban hành luật cấm, nhà trường, gia đình đồng hành cùng học sinh, con em mình cũng là điều quan trọng. Cha mẹ cần nắm bắt tâm sinh lý của con, thường xuyên quan tâm, trò chuyện với con để sớm phát hiện khi thấy con có biểu hiện lạ do sử dụng TLĐT”, PGS-TS Lương Ngọc Khuê - chia sẻ.
 

Tác giả: Việt Cường

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://dskhhgdhanoi.gov.vn là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây