Có kỹ năng trẻ sẽ an toàn khi ở nhà một mình

Thứ năm - 18/04/2024 21:42    Lượt xem: 9
Trong nhiều hoàn cảnh bắt buộc, cha mẹ không thể ở bên con trẻ 24/7, do đó việc dạy trẻ các kỹ năng sống khi ở nhà một mình là rất cần thiết. Trẻ nhỏ luôn là đối tượng dễ gặp nguy hiểm, các phụ huynh cần dạy concách xử lý, ứng phó với những tình huống xảy ra khi không có ai bên cạnh trẻ ngay từ khi còn nhỏ.
Có kỹ năng trẻ sẽ an toàn khi ở nhà một mình
Giai đoạn từ 2-10 tuổi là trẻ đang trong quá trình phát triển, luôn muốn thể hiện mình nên cha mẹ cần rèn luyện để trẻ biết được các việc làm đúng và hạn chế các nguy cơ xấu từ bên ngoài. Đây cũng là thời điểm vàng để phụ huynh dạy trẻ kỹ năng tự bảo vệ bản thân. Trước khi để con trải nghiệm ở nhà một mình, cha mẹ cần dạy con ghi nhớ những mối nguy hiểm có thể xảy ra và dạy con cách xử lý những tình huống đó.
Những tình huống nguy hiểm khi trẻ ở nhà một mình
Khi giáo dục kỹ năng sống ở nhà cho trẻ, cha mẹ cần giúp con hiểu rõ những nguyên tắc an toàn và tự bảo vệ bản thân: Khóa tất cả các cửa: Cha mẹ nên dạy trẻ cách khóa tất cả các loại cửa trước khi rời nhà. Việc khóa cửa đảm bảo an toàn cho trẻ và ngăn ngừa nguy cơ bị người lạ đột nhập từ bên ngoài. Không được mở cửa cho người lạ: Một trong những nguyên tắc quan trọng khi trẻ học kỹ năng sống ở nhà một mình là không mở cửa cho bất cứ ai, đặc biệt là người lạ. Nếu người lạ đòi mở cửa, trẻ tuyệt đối không nên mở, phải chốt chặt cửa, rồi giả vờ gọi bố mẹ thật to trong nhà. Kẻ xấu tưởng bố mẹ ở nhà, sẽ sợ và bỏ đi.
Nếu người lạ bảo là đồng nghiệp, người làm cùng hay quen với bố mẹ, trẻ cũng phải cảnh giác, hãy hỏi họ có việc gì cần, rồi ghi lại và bảo với bố mẹ sau. Nếu người lại ngồi lì trước cửa, trẻ hãy gọi điện cho bố mẹ hoặc hàng xóm, cũng có thể gọi cho 113 báo cảnh sát. Khi bố mẹ không có nhà, trẻ cũng bật tivi, bật đài lớn tiếng, để kẻ xấu tưởng trong nhà có người, chúng sẽ không dám quấy rối bé Không tự ý ra khỏi nhà: Một trong những quy tắc cơ bản và quan trọng là trẻ không nên tự ý ra khỏi nhà khi không có sự cho phép từ người lớn. Điều này liên quan đến sự an toàn của trẻ, đồng thời giúp con tránh các tình huống xấu có thể xảy ra khi trẻ ra khỏi nhà mà không có người lớn giám sát. Trường hợp con muốn ra khỏi nhà, con cần thông báo và xin ý kiến của bố mẹ. Chỉ trả lời điện thoại của người thân: Trẻ cần hiểu rằng chỉ nên trả lời điện thoại của người nhà hoặc đã có sự cho phép từ phụ huynh.
Bên cạnh đó, bố mẹ cần hướng dẫn con không nên tiếp chuyện với người lạ qua điện thoại và không tiết lộ thông tin cá nhân của bản thân và gia đình. Điều này giúp bảo đảm sự an toàn cho trẻ khi ở nhà một mình. Không kể với bất kì ai là con đang ở nhà một mình: Việc tiết lộ thông tin cá nhân, nhất là trạng thái khi nhà chỉ có một mình trẻ là vô cùng nguy hiểm, những kẻ xấu có thể lợi dụng khoảng thời gian này để đột nhập, trộm cắp tài sản hay tệ hơn là bắt cóc trẻ. Ghi nhớ các số điện thoại khẩn cấp: Trẻ cần phải học và ghi nhớ các số điện thoại khẩn cấp, vì trong nhiều tình huống khi ở nhà một mình, trẻ có thể cần đến sự giúp đỡ của người lớn. Hãy dạy trẻ ghi nhớ số điện thoại của bố mẹ, anh chị em trong nhà và những người thân khác. Ngoài ra các số điện thoại khẩn cấp như 113 (cảnh sát), 114 (cứu hỏa), 115 (cấp cứu)… trẻ cũng nên ghi nhớ. Để có thể giúp trẻ dễ dàng học thuộc, phụ huynh có thể dán số điện thoại lên tường và thường xuyên nhắc nhở trẻ học lại.
rsz o nha 1 minh min
Bảo đảm an toàn khi để trẻ ở nhà một mình

Dạy trẻ một số kỹ năng khi phải ứng phó với tình huống xấu
Phụ huynh cần dạy trẻ cách quản lý cảm xúc, đặc biệt là trong tình huống mà trẻ có thể cảm thấy lo sợ hoặc không an toàn. Bên cạnh đó, việc trấn an trẻ trước khi rời nhà cũng giúp trẻ tự tin hơn trong việc ứng phó với các tình huống xấu khi ở nhà một mình. Kỹ năng tự chăm sóc bản thân bao gồm việc trẻ tự quản lý các hoạt động hàng ngày như: đánh răng, vệ sinh cá nhân, ăn uống và giữ cho ngôi nhà không bừa bộn. Khi trẻ đã có khả năng tự chăm sóc bản thân một cách độc lập, con sẽ tự tin hơn khi ở nhà một mình. Kỹ năng sử dụng các đồ vật thiết yếu trong nhà: Khi ở nhà một mình trẻ cần phải độc lập hơn và biết cách tự chăm sóc bản thân, vì thế mà kỹ năng sử dụng các đồ vật thiết yếu trong nhà là một phần quan trọng. Điều này bao gồm việc hiểu cách vận hành các thiết bị và đồ dùng trong gia đình như: ấm đun nước, tủ lạnh, tivi, máy lạnh, máy hút bụi, máy rửa bát, lò vi sóng… Kỹ năng an toàn khi sử dụng điện: Khi ở một mình, trẻ cần biết cách sử dụng các thiết bị điện trong nhà một cách an toàn.
Trong đó, trẻ cần biết cách tắt thiết bị điện khi không sử dụng, đồng thời hiểu cách sử dụng bình cứu hỏa để đối phó với tình huống hỏa hoạn hoặc cháy nổ. Kỹ năng sơ cứu khẩn cấp: Đôi lúc, do hiếu động nên trẻ có thể tự làm bị thương mình như: bỏng, chảy máu chân tay… Nếu như bị nhẹ, trẻ có thể tự sơ cứu, biết cách rửa vết thương bằng oxy già, sử dụng bông y tế để sát khuẩn và băng bó vết thương, dán urgo, bôi kem trị bỏng,… Nếu bị nặng, hãy dặn trẻ nhờ hàng xóm hoặc gọi điện ngay cho bố mẹ.
Cha mẹ cần đồng hành với trẻ để giúp trẻ nắm vững kỹ năng sơ cứu cơ bản này. Để con ở nhà một mình là thử thách khó dành cho cả trẻ và phụ huynh, nhất là khi con còn nhỏ và chưa có nhiều kỹ năng. Tuy nhiên, bố mẹ nên kiên nhẫn và sử dụng các tình huống giả định để giúp con nắm vững các kỹ năng sống ở nhà một mình. Điều này sẽ giúp con tự lập từ sớm và cũng là một hành trang quan trọng cho sự phát triển toàn diện của trẻ. Hãy thường xuyên gọi điện kiểm tra khi con ở nhà một mình, để chắc chắn bé vẫn an toàn khi không có bố mẹ ở bên.

Tác giả: Kim Liên

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://dskhhgdhanoi.gov.vn là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây