Về cơ cấu dân số, năm 2023, Hà Nội có tỷ số giới tính khi sinh (số trẻ nam/100 trẻ nữ): 111,2/100. Tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên năm 2023 tiếp tục giảm, nhưng chưa bền vững, đặc biệt tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên ở một số huyện còn cao. Chất lượng dân số từng bước được nâng cao, Thành phố tiếp tục thực hiện đồng bộ các chương trình, kế hoạch, hoạt động mô hình về nâng cao chất lượng dân số ở 30/30 quận, huyện, thị xã; 100% xã, phường, thị trấn đã mang lại kết quả rõ rệt.
Trong năm 2023, số sinh toàn Thành phố năm 2023 là: 105.054 trẻ, tăng 994 trẻ so với năm 2022. Tỷ suất sinh thô đạt 12,23‰. Tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên đạt 6,52%, giảm 0,1 % so với năm 2022.
Tỷ lệ sàng lọc trước sinh năm 2023 đạt 88,7 % (vượt chỉ tiêu được giao). 103.092 bà mẹ mang thai được sàng lọc trước sinh. Tỷ lệ sàng lọc sơ sinh năm 2023 đạt 90,3 %, với 92.199 trẻ sơ sinh được sàng lọc, trong đó phát hiện 246 trường hợp nghi ngờ thiếu men G6PD, 05 trường hợp suy giáp trạng bẩm sinh, 05 trường hợp tăng sản tuyến thượng thận bẩm sinh. Tỷ lệ người cao tuổi được khám sức khỏe định kỳ trong năm 88,8%.
Tỷ lệ sử dụng biện pháp tránh thai (CPR) đạt 76,5% (đạt chỉ tiêu giao), tổng số người mới áp dụng biện pháp tránh thai (BPTT): 436.062 người, đạt 110,4% vượt chỉ tiêu kế hoạch giao.
Năm 2023, thực hiện Chiến dịch tăng cường tuyên truyền vận động lồng ghép cung cấp các dịch vụ về dân số năm 202, các quận, huyện đã tổ chức 249 cuộc mít tinh, cổ động/hội nghị với 12.600 người tham gia, 1.080 cuộc tuyên truyền với 61.296 người tham gia, tổ chức 340 lần sinh hoạt văn nghệ/chiếu video tuyền truyền về dân số...
Các đơn vị đã thực hiện tư vấn và tổ chức cung cấp các dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ, đảm bảo cung ứng đầy đủ phương tiện tránh thai miễn phí và tiếp thị xã hội, xã hội hóa cho toàn Thành phố, thực hiện cấp phát 1.000 chiếc dụng cụ tử cung, 7.800 vỉ thuốc uống tránh thai Ideal, 4.689 vỉ thuốc uống tránh thai Naphalevo miễn phí.
Công tác tầm soát các dị dạng, tật bệnh bẩm sinh và kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh: Thành phố đã thành lập 86 mô hình chăm sóc người cao tuổi ở cộng đồng, 40 câu lạc bộ người cao tuổi tự chăm sóc sức khỏe, 24 mô hình tư vấn và khám sức khỏe trước khi kết hôn; 18 mô hình chăm sóc sức khỏe sinh sản VTN/TN; 10 mô hình truyền thông CSSKSS/KHHGĐ tới vùng dân cư đặc thù.
Các hoạt động tuyên truyền, giáo dục cho vị thành niên, thanh niên và các cặp nam, nữ chuẩn bị kết hôn được duy trì thường xuyên tại các quận, huyện, thị xã thông qua các buổi truyền thông tại cộng đồng với nội dung đa dạng, phong phú…
Ông Vũ Duy Hưng nhấn mạnh, có được kết quả trên bên cạnh sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện cho công tác dân số và phát triển đạt kết quả tốt mà Ban Chỉ đạo công tác dân số và phát triển thành phố và các quận, huyện, thị xã quan tâm, chỉ đạo các nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với từng địa bàn từ đầu năm, sự nhiệt tình, trách nhiệm của đội ngũ lãnh đạo, cán bộ làm công tác y tế - dân số các cấp, góp phần hoàn thành các mục tiêu của chương trình.
Tuy nhiên, công tác dân số vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức như: Quy mô dân số đông, địa bàn rộng, tốc độ gia tăng dân số nhất là gia tăng dân số cơ học tiếp tục tăng mạnh ở khu vực các quận, công tác quản lý dân cư và đảm bảo các nhiệm vụ còn gặp nhiều khó khăn. Một số cán bộ làm công tác dân số tại Trung tâm Y tế chuyển công tác, thay mới nên thiếu ổn định ảnh hưởng đến hoạt động dân số tại cơ sở…
Phát biểu tham luận tại Hội nghị, bà Trần Thị Minh Nguyệt, trưởng ban Gia đình Xã hội, Hội LHPN Hà Nội cho biết, xác định công tác Dân số KHHGĐ là một trong những chương trình trọng tâm trong hoạt động Hội, những năm qua, Hội LHPN Hà Nội thường xuyên chỉ đạo Hội Phụ nữ Quận, thị xã và cơ sở tổ chức các hoạt động tuyên truyền giáo dục, truyền thông về Dân số KHHGĐ nhằm tăng cường sự tham gia, đồng thuận và tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, thay đổi thái độ, hành vi của cán bộ, hội viên phụ nữ và nhân dân, góp phần nâng cao chất lượng dân số, giảm thiểu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của Thành phố.
Trong năm 2023, các cấp Hội Phụ nữ Hà Nội đã triển khai nhiều hoạt động truyền thông, toạ đàm, sinh hoạt CLB về nội dung dân số tập trung tuyên truyền giảm tỷ lệ sinh con thứ ba và nâng cao chất lượng dân số, giảm tỷ lệ nạo phá thai ở tuổi vị thành niên, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, khám sàng lọc trước sinh và sơ sinh, chăm sóc sức khoẻ vị thành niên, chăm sóc người cao tuổi.
Phối hợp Chi cục Dân số KHHGĐ tổ chức 13 cuộc truyền thông về sự cần thiết sàng lọc trước sinh và sơ sinh, hệ luỵ mất cân bằng giới tính khi sinh cho phụ nữ ở độ tuổi sinh đẻ… phối hợp với bệnh viện phụ sản Hà Nội tổ chức 5 buổi tuyên truyền về kiến thức chăm sóc sức khoẻ cho 530 cán bộ, hội viên, phụ nữ, học sinh tại 4 quận, huyện, tổ chức truyền thông, khám phụ khoa cho 400 nữ phạm nhân tại Trại giam Thanh Xuân, cơ sở Thanh Oai.
Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội thực hiện dự án Tự tin là chính mình, truyền thông chăm sóc sức khoẻ sinh sản cho học sinh nữ và cha mẹ có con tuổi vị thành niên, thành lập và triển khai sâu rộng mô hình CLB Thủ lĩnh của sự thay đổi, CLB mẹ và con gái…
Đáng chú ý, năm 2023, các cơ sở Hội cũng quan tâm chất lượng và xây dựng các mô hình gắn với việc thực hiện công tác dân số, bảo vệ sức khoẻ phụ nữ, trẻ em. Các cấp Hội thành lập mới 27 CLB “Gia đình văn minh hạnh phúc”, duy trì sinh hoạt 635 CLB “Xây dựng gia đình hạnh phúc”, 36 CLB “Giới và gia đình”, 56 CLB “Nuôi dạy con tốt”, 18 CLB “Nuôi con bằng sữa mẹ”…
Bà Kiều Thị Thuý Nga, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế quận Đống Đa cho biết, công tác chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi tại cộng đồng được quận Đống Đa đã triển khai đồng bộ, với nhiều giải pháp thiết thực, hiệu quả. Nhiều chương trình chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi của quận được triển khai kịp thời, đảm bảo các chính sách và sự quan tâm của cả hệ thống tới người cao tuổi của toàn quận. Hàng năm, quận tổ chức khám sức khoẻ miễn phí cho người cao tuổi, thành lập bộ phận chăm sóc sức khoẻ cho người cao tuổi tại cộng đồng, tổ chức truyền thông, tư vấn, nói chuyện chuyên đề tại cụm dân cư, tổ dân phố…
Người cao tuổi được tham gia sinh hoạt các CLB, giao lưu văn hoá văn nghệ, thể dục dưỡng sinh, tư vấn chăm sóc sức khoẻ, khám sức khoẻ miễn phí... nhằm giúp cải thiện, nâng cao sức khoẻ thể chất, tinh thần cho người cao tuổi…
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, ông Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội biểu dương, ghi nhận và chúc mừng các tập thể, cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong công tác dân số năm vừa qua, đồng thời đề nghị Chi cục Dân số KHHGĐ TP Hà Nội và các Trung tâm y tế các quận, huyện, thị xã trên địa bàn Thành phố cần tập trung triển khai các hoạt động trọng tâm, trọng điểm của công tác dân số; tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch năm 2024.
Đẩy mạnh tuyên truyền vận động tạo sự thống nhất nhận thức của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp Nhân dân, tạo sự đồng thuận cao trong toàn xã hội về tiếp tục chuyển trọng tâm từ Dân số - Kế hoạch hóa gia đình sang Dân số và Phát triển; tập trung giải quyết toàn diện các vấn đề quy mô, cơ cấu, chất lượng dân số, duy trì mức sinh thay thế, giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh, tận dụng cơ cấu dân số vàng và thích ứng với già hoá dân số.
Tăng cường công tác giám sát, kiểm tra ở các cấp đảm bảo thực hiện chính sách dân số ở địa bàn các quận, huyện, thị xã đặc biệt là đối với các xã, phường, thị trấn có mức sinh, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên, mất cân bằng giới tính khi sinh còn cao. Tăng cường thanh tra các cơ sở y tế ngoài công lập về không chọn giới tính thai nhi theo các quy định của pháp luật…
Nhân dịp này, UBND TP Hà Nội đã tặng Bằng khen cho 5 cá nhân, 5 tập thể có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua thực hiện nhiệm vụ công tác Dân số - KHHGĐ năm 2023; Giấy khen của Cục trưởng Cục Dân số cho 8 tập thể, 24 cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác dân số; Giấy khen của Sở Y tế cho các tập thể, cá nhân có thành tích trong thực hiện Tiêu chí quốc gia về y tế xã năm 2023…
Tác giả: Hồng Nhung
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn