Đời sống người dân từng bước được nâng cao. Mức sinh thay thế của bà mẹ trong độ tuổi sinh đẻ đạt mức trung bình 2,05 con/bà mẹ được duy trì ổn định. Tốc độ gia tăng dân số đã chậm lại. Tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên được kiềm chế từ 3,71% (năm 2014) xuống 3,51% (năm 2022).
Tỷ số giới tính khi sinh trong 10 năm trở lại đây đã giảm từ 115 bé trai/100 bé gái (vào năm 2011) xuống 112 bé trai/100 bé gái (vào tháng 9/2023).
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chi cục trưởng Chi cục Dân số - KHHGĐ Hà Nội Nguyễn Minh Xuân cho biết, Hà Nội luôn quan tâm và coi trọng công tác dân số và phát triển. Hiện nay Hà Nội đã đạt mức sinh thay thế, công tác DS - KHHGĐ chuyển hướng sang Dân số và phát triển.
KHHGĐ không những góp phần làm giảm tỷ lệ sinh, tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên mà còn có ảnh hưởng rất lớn đến việc giảm tỷ lệ mang thai ngoài ý muốn, nạo phá thai không an toàn, đồng thời giảm số ca tử vong mẹ và tử vong trẻ em.
Tỷ số giới tính khi sinh của Hà Nội đã giảm dần từ 117,6 trẻ trai/100 trẻ gái năm 2008 xuống còn 112,9 trẻ trai/100 trẻ gái năm 2019. 9 tháng đầu năm, tỷ số giới tính khi sinh là 112 trẻ trai/100 trẻ gái.
Mặc dù tỷ số giới tính khi sinh của toàn TP đang có xu hướng giảm nhưng vẫn trên mức báo động. Nếu không có những can thiệp mạnh mẽ và kịp thời, mất cân bằng giới tính khi sinh sẽ dẫn đến những hệ lụy khó lường về trật tự xã hội, an ninh, chính trị; dẫn đến hiện tượng thiếu nữ thừa nam trong độ tuổi kết hôn và dẫn đến phá vỡ cấu trúc gia đình ảnh hưởng tới chất lượng dân số trong tương lai.
Để thực hiện thúc đẩy bình đẳng giới, giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh, các đơn vị, địa phương cần đầu tư chăm sóc, giáo dục, yêu thương chia sẻ, giúp đỡ trẻ em gái có hoàn cảnh khó khăn.
Thời gian qua, TP đã triển khai nhiều mô hình tại các địa bàn trên toàn TP. Nhiều hoạt động nhằm nâng cao tiếng nói của phụ nữ và trẻ em gái được triển khai như: Mô hình tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân; Mô hình chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên...
Hàng năm, TP tổ chức hàng trăm buổi truyền thông kiến thức sức khỏe sinh sản cho các đối tượng là trẻ em gái vị thành niên, thanh niên (VTN, TN), tổ chức truyền thông chăm sóc sức khỏe sinh sản/KHHGĐ và các bệnh lây truyền qua đường tình dục cho các đoàn viên thanh niên. TP truyền thông về bình đẳng giới, giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh cho học sinh các trường THCS, PTTH...
Trong đợt cao điểm hưởng ứng Ngày quốc tế trẻ em gái 11/10 năm nay, Hà Nội phát động tổ chức kỷ niệm rộng khắp trên địa bàn TP, đặc biệt tại Hai Bà Trưng, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Thạch Thất...
Ngoài ra, các đơn vị tổ chức điểm truyền thông hưởng ứng Ngày quốc tế trẻ em gái 11/10 tại các trường học, truyền thông bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình, nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ và trẻ em gái, nhân bản, cấp phát tờ rơi sách mỏng tuyên truyền về bình đẳng giới, mất cân bằng giới tính khi sinh…
Mặc dù vậy, công tác dân số ở Thủ đô vẫn đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Nguyên nhân là do quy mô dân số lớn, địa bàn dân cư rộng, trình độ nhận thức của người dân chưa đồng đều. Do đó, mục tiêu yêu cầu đặt ra là TP cần tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp đồng bộ để khắc phục tình trạng này, đồng thời các cấp chính quyền tiếp tục đẩy mạnh truyền thông, giáo dục và có các chính sách hỗ trợ phụ nữ, trẻ em gái.
Tại hội nghị, 100 trẻ em gái chăm ngoan, học giỏi tại quận Bắc Từ Liêm đã được biểu dương, kịp thời động viên khích lệ các trẻ em gái chăm ngoan học giỏi trong các gia đình tiêu biểu thực hiện tốt chính sách dân số trên địa bàn quận.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn