Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình Hà Nội

https://dskhhgdhanoi.gov.vn


Nhiều hoạt động biểu dương người cao tuổi vận động con cháu thực hiện tốt chính sách dân số

Nhiều hoạt động biểu dương người cao tuổi vận động con cháu thực hiện tốt chính sách dân số
Đây là hoạt động hàng năm được Chi cục DS-KHHGĐ Hà Nội phối hợp với các quận, huyện, thị xã tổ chức nhằm động viên, biểu dương kịp thời người cao tuổi tiêu biểu trong việc vận động con cháu thực hiện tốt chính sách dân số...
Theo đó, nhằm hưởng ứng Tháng hành động vì Người cao tuổi Việt Nam 2021 với chủ đề “Chủ động thích ứng với già hóa dân số: gia đình, cộng đồng và toàn xã hội cùng chung tay chăm sóc, phát huy vai trò người cao tuổi, Chi cục DS-KHHGĐ thành phố Hà Nội đã phối hợp với Trung tâm Y tế quận Hai Bà Trưng tổ chức gặp mặt biểu dương 100 người cao tuổi vận động con cháu thực hiện tốt chính sách dân số trên địa bàn quận.


Hoạt động gặp mặt biểu dương người cao tuổi vận động con cháu thực hiện tốt chính sách dân số diễn ra đảm bảo yêu cầu phòng dịch và động viên, quan tâm kịp thời tới các cụ cao tuổi tại địa phương
 

Đây là hoạt động hàng năm được Chi cục DS-KHHGĐ thành phố phối hợp với các quận, huyện, thị xã tổ chức nhằm động viên, biểu dương kịp thời người cao tuổi- là tấm gương sáng tiêu biểu trong vận động nhân dân thực hiện tốt chính sách dân số đặc biệt là con cháu trong gia đình.

Từ xưa đến nay, người cao tuổi có vị trí quan trọng trong gia đình và xã hội, gương mẫu, giáo dục, dẫn dắt, định hướng cho thế hệ trẻ và có nhiều đóng góp cho quá trình phát triển đất nước. Vai trò của người cao tuổi trong việc tuyên truyền, vận động để con cháu trong gia đình và Nhân dân ở khu dân cư chấp hành các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác DS- KHHGĐ là vô cùng quan trọng.

Trong các buổi sinh hoạt Hội người cao tuổi tại địa phương, các cụ luôn xác định đây là trách nhiệm của mỗi bản thân, có trách nhiệm phối hợp với các đoàn thể ở cơ sở vận động người dân, vận động con cháu thực hiện sinh đẻ có kế hoạch đặc biệt xóa tan tư tưởng “trọng nam, khinh nữ”, coi trọng cháu trai hơn cháu gái; coi việc thực hiện tốt công tác DS-KHHGĐ là một chỉ tiêu hoàn thành nhiệm vụ của hội viên trong chi hội.

Hàng tháng, vào các buổi sinh hoạt định kỳ, ngoài các nội dung như bình thơ, đọc báo, nghe tình hình thời sự, trao đổi kinh nghiệm sống và dạy bảo con cháu, Hội Người cao tuổi còn dành thời gian đáng kể để tuyên truyền công tác DS-KHHGĐ. Với sự “vào cuộc” tích cực của các cụ cao tuổi đã góp phần thực hiện các chỉ tiêu công tác DS-KHHGĐ tại địa phương nói riêng và của toàn thành phố nói chung.

Bên cạnh đó, nhân dịp hưởng ứng Tháng hành động vì Người cao tuổi Việt Nam năm 2021, mặc dù trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 diễn phức tạp, tại một số đơn vị như Bắc Từ Liêm, Hai Bà Trưng… vẫn tổ chức gặp mặt biểu dương người cao tuổi vận động con cháu thực hiện tốt chính sách dân số nhưng với quy mô nhỏ, thực hiện giãn cách theo chỉ thị của thành phố và vẫn đảm bảo động viên, quan tâm kịp thời tới các cụ cao tuổi tại địa phương…

Theo bà Nguyễn Minh Xuân, Phó Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ Hà Nội, mất cân bằng giới tính đang là mối quan ngại ngày càng lớn tại các quốc gia châu Á. Từ năm 2006, mất cân bằng giới tính khi sinh tại Việt Nam bắt đầu có biểu hiện tăng. Đến năm 2015, tỷ số này là 112,8 bé trai/100 bé gái, và tới năm 2016 là 112,2 bé trai/100 bé gái. Đặc biệt, năm 2014 có 15/63 tỉnh, thành phố có tỷ số giới tính khi sinh là 115 trẻ nam/100 trẻ nữ…

“Với thực trạng này, nếu không có những biện pháp can thiệp kịp thời, dự tính đến năm 2050, Việt Nam sẽ phải đối mặt với một viễn cảnh dư thừa từ 2,3 đến 4,3 triệu nam giới không tìm được vợ để kết hôn”, bà Nguyễn Minh Xuân nêu.

Mất cân bằng giới tính khi sinh sẽ ảnh hưởng tới cấu trúc dân số Việt Nam trong tương lai, dẫn tới việc dư thừa nam giới trong xã hội. Các hậu quả về lâu dài rất nghiêm trọng: việc thiếu phụ nữ sẽ làm gia tăng áp lực buộc các em gái phải kết hôn sớm hơn và có thể bỏ học để lập gia đình. Có thể sẽ có sự gia tăng về nhu cầu mại dâm; dẫn đến việc gia tăng đường dây buôn bán phụ nữ.

Nguyên nhân dẫn đến mất cân bằng giới tính khi sinh chủ yếu do việc lựa chọn giới tính thai nhi, định kiến giới, ưa thích con trai. Thái độ xem thường giá trị của phụ nữ đã ăn sâu bám rễ trong các quan niệm văn hóa, tư tưởng truyền thống lâu đời đã tạo nên áp lực nặng nề đối với phụ nữ về việc phải sinh được con trai và ảnh hưởng tới vị thế kinh tế, xã hội, đời sống sinh sản và tình dục của người phụ nữ.

Thời gian qua, để kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh, UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 208/KH-UBND triển khai kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh của thành phố Hà Nội giai đoạn 2016-2025 trong đó đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 để đưa tỷ số này đạt khoảng 107 trẻ trai/100 trẻ gái sau năm 2025, đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên.

Một trong những giải pháp được thực hiện là lồng ghép truyền thông thành đợt cao điểm hưởng ứng Ngày Quốc tế trẻ em gái 11-10 và Ngày Quốc tế Người cao tuổi Việt Nam nhằm tạo chiến dịch truyền thông về bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình; nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ và trẻ em gái; tuyên truyền về bình đẳng giới, mất cân bằng giới tính khi sinh…

Theo báo cáo của Chi cục DS-KHHGĐ thành phố Hà Nội, 9 tháng năm 2021, số sinh toàn thành phố là 72.535 trẻ (giảm 5.137 trẻ so với cùng kỳ); Số sinh con thứ ba trở lên 5.464 trẻ (giảm 518 trẻ so với cùng kỳ); tỷ lệ sàng lọc trước sinh là 84,17% (KH năm 2021 là 81,0%); tỷ lệ sàng lọc sơ sinh là 81,76%; tỷ số giới tính khi sinh là 113,2trẻ trai/100 trẻ gái.

Tác giả: Phong Châu

Nguồn tin: phapluatxahoi.kinhtedothi.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây