Triển khai Nghị quyết của Đảng về công tác dân số trong tình hình mới

Chủ nhật - 26/11/2017 23:03    Lượt xem: 1075

Triển khai Nghị quyết của Đảng về công tác dân số trong tình hình mới

Việt Nam đã đạt mức sinh thay thế và liên tục giữ vững tổng tỷ suất sinh (số con trung bình của một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ) ở mức dưới 2,1 con hơn 10 năm qua; góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Để tiếp tục giữ vững được thành quả của công tác dân số với sự phát triển của đất nước, Nghị quyết số 21-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII chỉ rõ một trong những mục tiêu quan trọng của công tác dân số trong tình hình mới là: Duy trì mức sinh thay thế; tiếp tục cuộc vận động mỗi cặp vợ chồng nên có 2 con.

Nghịch lý mức sinh nơi thấp, nơi cao

Nghị quyết đánh giá, sau 25 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ Tư Ban chấp hành Trung ương khoá VII và các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, công tác DS-KHHGĐ đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần to lớn vào công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Tốc độ gia tăng dân số đã được khống chế thành công, đạt mức sinh thay thế sớm 10 năm so với mục tiêu Nghị quyết đề ra và tiếp tục duy trì cho đến nay, hạn chế tăng thêm hàng chục triệu người. Cơ cấu dân số chuyển dịch tích cực. Dân số trong độ tuổi lao động tăng mạnh. Từ năm 2007, Việt Nam bước vào thời kỳ dân số vàng. Chất lượng dân số được cải thiện nhiều mặt, tuổi thọ trung bình tăng nhanh; tình trạng suy dinh dưỡng, tử vong bà mẹ trẻ em giảm mạnh; tầm vóc thể lực người Việt Nam có bước cải thiện; dịch vụ DS-KHHGĐ được mở rộng, chất lượng ngày càng cao…

Tuy nhiên, Ban chấp hành Trung ương xác định, công tác DS-KHHGĐ vẫn còn nhiều hạn chế. Việt Nam thành công trong duy trì mức sinh thay thế suốt 10 năm qua, nhưng lại không có được kết quả đồng đều giữa các địa phương, nhất là ở các thành phố lớn, phát triển mức sinh thấp và ngược lại ở khu vực vùng miền kém phát triển.

Theo TS Lê Cảnh Nhạc, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ (Bộ Y tế), mức sinh giữa các vùng còn chênh lệch đáng kể. Khu vực kinh tế xã hội nhiều khó khăn có mức sinh cao, có nơi rất cao. Trong khi ở một số vùng đô thị, kinh tế phát triển, mức sinh đã xuống thấp, có nơi thấp xa so với mức sinh thay thế. Ở khu vực Đông Nam bộ, bình quân mỗi phụ nữ sinh 1,63 con, trong khi đó ở khu vực Trung du và miền núi phía Bắc là 2,69 con. Ở TP.HCM, bình quân mỗi phụ nữ sinh 1,45 con, trong khi đó, ở Lai Châu con số này là 3,1 con…
 
Cán bộ Đảng viên gương mẫu sinh đủ 2 con

Để tiếp tục giữ vững được thành quả của công tác dân số với sự phát triển của đất nước, Nghị quyết số 21-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII yêu cầu duy trì vững chắc mức sinh thay thế (bình quân mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có 2,1 con), đến năm 2030 quy mô dân số đạt 104 triệu người; giảm 50% chênh lệch mức sinh giữa nông thôn và thành thị, miền núi và đồng bằng; 50% số tỉnh đạt mức sinh thay thế.

TS Lê Cảnh Nhạc cho biết, để duy trì được mức sinh thay thế, đòi hỏi phải có bài toán đặc thù cho sự phát triển bền vững của từng vùng miền cũng như sự phát triển chung của cả nước. “Đối với những nơi mức sinh đang xuống thấp thì cần vận động người dân “sinh đủ 2 con”. Đối với những nơi điều kiện KT-XH còn nhiều khó khăn có mức sinh cao, thậm chí rất cao, vẫn phải tiếp tục vận động giảm sinh để đưa về mức sinh thay thế” – ông nói. Giải pháp này đã và đang được ngành Dân số vận dụng linh hoạt trong thời gian qua, đặc biệt tiếp tục thực hiện trong thời gian tới.

Trong Nghị quyết 21-NQ/TW nhấn mạnh tăng cường sự lãnh đạo của Đảng về công tác dân số. Thống nhất nhận thức của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, tạo sự đồng thuận cao trong toàn xã hội về tiếp tục chuyển trọng tâm chính sách từ tập trung vào kế hoạch hóa gia đình sang giải quyết toàn diện các vấn đề quy mô, cơ cấu, chất lượng, phân bố dân số trong mối quan hệ với phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Chính vì vậy, Nghị quyết đề cao tính tiên phong, gương mẫu của mỗi cán bộ, đảng viên trong việc thực hiện chủ trương, chính sách về công tác dân số, nhất là sinh đủ 2 con, chú trọng nuôi dạy con tốt, gia đình hạnh phúc, tạo sức lan toả sâu rộng trong toàn xã hội.

Ban chấp hành Trung ương yêu cầu tiếp tục thực hiện cuộc vận động mỗi cặp vợ chồng nên có 2 con, bảo đảm quyền và trách nhiệm trong việc sinh con và nuôi dạy con tốt. Tập trung vận động sinh ít con hơn ở vùng, đối tượng có mức sinh cao; duy trì kết quả ở những nơi đã đạt mức sinh thay thế; sinh đủ 2 con ở những nơi có mức sinh thấp.

Nghị quyết 21 cũng yêu cầu rà soát, điều chỉnh hoặc bãi bỏ một số quy định về xử lý vi phạm trong công tác dân số; đồng thời đề cao tính gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong việc thực hiện chính sách dân số, xây dựng gia đình văn hoá, hạnh phúc.

Rà soát, bổ sung các quy định của pháp luật về nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi. Ngăn ngừa có hiệu quả việc lạm dụng khoa học - công nghệ để lựa chọn giới tính thai nhi. Đẩy mạnh công tác bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ.
 
Duy trì mức sinh thay thế - giải pháp hữu hiệu

Xét trên bức tranh toàn cảnh, hơn 50 năm qua, tổng tỷ suất sinh của Việt Nam liên tục giảm, từ 6,39 con (năm 1960) xuống còn 2,09 con năm 2006 (dưới mức sinh thay thế, được các nhà khoa học tính toán là 2,1 con - số con đủ thay thế cho người mẹ trong suốt cuộc đời họ).

Liên tục từ đó đến nay, chúng ta luôn ở dưới mức sinh thay thế. Chỉ tính riêng trong hơn 20 năm qua, theo các nhà khoa học, chúng ta đã tránh sinh được 20,8 triệu trường hợp. Điều đó có ý nghĩa hết sức to lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội nói chung, nâng cao mức thu nhập bình quân đầu người, nâng cao các chỉ số sức khỏe, chất lượng cuộc sống của người dân Việt Nam.

Hiện nay, khi Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long đang đối mặt với mức sinh thấp (thậm chí rất thấp) thì những tỉnh miền núi phía Bắc, miền Trung và Tây Nguyên, tỷ suất sinh còn rất cao và đang phải “oằn mình” kiên trì giảm sinh. Nếu tỷ suất sinh thô cả nước hiện là 16 - 17%o thì tỷ suất sinh ở các tỉnh này lên đến gần 30%o. Nhiều tỉnh như: Hà Giang, Lai Châu, Hà Tĩnh, Đắk Lắk… có tổng tỷ suất sinh ở mức trên, dưới 3 con. Thậm chí có những nơi, người dân sinh tới 6 – 7 người con. Cả nước có 18 tỉnh có mức sinh dưới 2,0 con, chủ yếu nằm ở các tỉnh thuộc khu vực Đông Nam Bộ, đồng bằng sông Cửu Long và đồng bằng sông Hồng; 19 tỉnh có mức sinh từ 2,5 con trở lên, chủ yếu nằm ở khu vực Trung du và miền núi phía Bắc, Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung.

Chính vì vậy, việc duy trì mức sinh thay thế là giải pháp hữu hiệu nhất, giúp chúng ta có được quy mô và cơ cấu dân số hài hòa nhất, vì sự phát triển bền vững của đất nước.


Tác giả: Hà Thư

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://dskhhgdhanoi.gov.vn là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây