Nâng cao vị thế của trẻ em gái, góp phần giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh

Thứ hai - 10/10/2022 04:24    Lượt xem: 863

Nâng cao vị thế của trẻ em gái, góp phần giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh

Chi cục Dân số - Kế hoạch hoá gia đình Hà Nội phối hợp với UBND quận Long Biên tổ chức hội nghị biểu dương trẻ em gái chăm ngoan, học giỏi trong các gia đình tiêu biểu thực hiện tốt chính sách dân số nhân Ngày Quốc tế trẻ em gái (11/10).
     Công tác dân số quận Long Biên đạt nhiều thành tựu nổi bật
     Theo báo cáo của Tổng cục Dân số - KHHGĐ Việt Nam, với tình hình mất cân bằng giới tính khi sinh như hiện nay đến năm 2050 Việt Nam sẽ thiếu khoảng 2,3 đến 4,3 triệu phụ nữ, tình trạng dư thừa nam giới trong độ tuổi kết hôn có thể dẫn tới phá vỡ cấu trúc gia đình, một bộ phận nam giới sẽ phải kết hôn muộn, nhiều người trong số họ sẽ không có khả năng kết hôn.
     Tại quận Long Biên, vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh đã trở thành một xu thế rõ nét trong vài năm trở lại đây. 
     Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Định Thị Thu Hương, Phó Chủ tịch UBND quận, Trưởng Ban chỉ đạo công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu và Dân số - KHHGĐ quận Long Biên cho biết, công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) của quận đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận.
     

                                                                   Tiết mục văn nghệ biểu diễn tại hội nghị

     Dân số tính đến thời điểm 30/9/2022 là 345.122 người, tổng số sinh 9 tháng đầu năm là 2536 trẻ, giảm 217 trẻ so cùng kỳ năm 2021; số trẻ sinh là con thứ ba là 65 trẻ giảm 7 trẻ so với cùng kỳ năm 2021, tỷ lệ sinh CT3+: 2,65%, giảm 0,02% so với kết quả thực hiện năm 2021, hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch giao; Thực hiện tư vấn và sàng lọc trước sinh cho 4400 bà mẹ mang thai, đạt tỷ lệ 89,8%, đạt 100,9% kế hoạch năm 2022; Tư vấn và sàng lọc sơ sinh cho 2.400 trẻ, đạt tỷ lệ 92,2%, hoàn thành 100,2% kế hoạch.
     Theo số liệu thống kê, tỷ số giới tính khi sinh quận Long Biên tăng từ 95 bé trai/100 bé gái năm 2009 lên đến 113 bé trai/100 bé gái năm 2018. Với sự quyết liệt trong chỉ đạo, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự nhiệt tình trách nhiệm của các đồng chí làm công tác dân số từ quận đến cơ sở, tỷ số giới tính khi sinh của quận Long Biên trong những năm gần đây đã có xu hướng giảm (từ 112 trẻ trai/100 trẻ gái năm 2019 giảm xuống còn 110 trẻ trai/100 trẻ gái vào năm 2021).
     Theo số liệu báo cáo mới cập nhật, 9 tháng đầu năm 2022 tỷ số giới tính khi sinh quận Long Biên đã trở về mức cân bằng tự nhiên: 106 trẻ trai/100 trẻ gái.
     Để đạt được những kết quả nêu trên, UBND quận Long Biên đã huy động sự vào cuộc đồng bộ của các phòng, ban, ngành, đoàn thể và UBND các phường để triển khai các hoạt động truyền thông về công tác DS-KHHGĐ.
     Hàng năm, quận tổ chức các đợt truyền thông về mất cân bằng giới tính khi sinh thông qua các hình thức tuyên truyền đa dạng: nói chuyện chuyên đề, tư vấn nhóm nhỏ, triển khai các mô hình điểm, tuyên truyền trực tiếp tại hộ gia đình, hội thi, giao lưu văn nghệ... Đồng thời lồng ghép tuyên truyền về vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh trong các tiết sinh hoạt ngoại khóa tại các trường học trên địa bàn.
     
Các tập và cá nhân đạt nhiều thành tích trong triển khai thực hiện Chương trình kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh năm 2022 nhận khen thưởng tại hội nghị

     Bên cạnh đó, công tác kiểm tra, ký cam kết với các cơ sở hành nghề y dược ngoài công lập cung cấp dịch vụ sản khoa/kế hoạch hóa gia đình trên địa bàn quận cũng được chú trọng và tổ chức thực hiện thường xuyên để thực hiện nghiêm túc quy định của Bộ Y tế về việc siêu âm không công bố giới tính thai nhi, không loại bỏ thai nhi vì lý do lựa chọn giới tính.
     "Mặc dù hiện tại tỷ số giới tính khi sinh của quận Long Biên đã giảm, tuy nhiên nếu trong thời gian tới chúng ta không tiếp tục duy trì kết quả đã đạt được, dự kiến trong vòng 20 năm nữa, quận Long Biên có khoảng hơn 10.000 đàn ông đến tuổi trưởng thành khó lấy được vợ, trung bình mỗi phường thừa từ 750 đến 800 đàn ông sẽ gặp khó khăn để lấy được vợ theo đúng lứa tuổi" - bà Thu Hương lo ngại.
     Nhiều tấm gương trẻ em gái chăm ngoan, học giỏi
     Tại hội nghị, 100 trẻ em gái chăm ngoan học giỏi trong 100 gia đình tiêu biểu đại diện cho hơn 6.200 hộ gia đình sinh con một bề gái trên địa bàn quận Long Biên được vinh danh, khen thưởng. Đây là những trẻ em gái có thành tích học tập xuất sắc trong các gia đình đã vượt lên tư tưởng, định kiến trong xã hội, thực hiện quy mô gia đình 2 con, chăm lo phụng dưỡng bố mẹ già và nuôi dạy con tốt. Ngoài ra, Hội nghị cũng biểu dương 12 tập thể và 19 cá nhân đạt nhiều thành tích trong triển khai thực hiện Chương trình kiểm soát mất cân bằng giới tinh khi sinh năm 2022.
     

                           100 trẻ em gái chăm ngoan học giỏi trong 100 gia đình tiêu biểu đã được biểu dương tại hội nghị 
 
     Đây là hoạt động có ý nghĩa thiết thực, mang tính chất tuyên truyền sâu rộng góp phần nâng cao nhận thức của nhân dân về vấn đề bình đẳng giới và mất cân bằng giới tính khi sinh, kêu gọi sự vào cuộc của các cấp, các ngành và toàn thể nhân dân giúp nâng cao vị thế, vai trò của phụ nữ và trẻ em gái trong gia đình và xã hội.
     Phát biểu tại Hội nghị, Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) Hà Nội, TS. Tạ Quang Huy cho biết, không đơn giản chỉ là một ngày kỉ niệm, Ngày Quốc tế trẻ em gái ra đời nhằm mục đích trao cơ hội nhiều hơn cho trẻ em gái và nâng cao nhận thức về bất bình đẳng giới bao gồm các lĩnh vực như giáo dục, dinh dưỡng, y tế, bảo vệ khỏi sự kỳ thị, bạo lực và không còn nạn tảo hôn...
     Các em có quyền được hưởng một cuộc sống an toàn, có sức khỏe và giáo dục tốt, không chỉ trong suốt những năm tháng đầu đời quan trọng mà cả khi trở thành phụ nữ. Nếu được quan tâm trong thời gian vị thành niên, trẻ em gái sẽ có tiềm năng để thay đổi thế giới, trở thành những người lao động, các bà mẹ, các doanh nhân, cố vấn, các nhà lãnh đạo trong gia đình và các nhà lãnh đạo chính trị trong xã hội của ngày mai.
     Bằng việc công nhận ngày 11/10 hằng năm là Ngày Quốc tế Trẻ em gái, thế giới đang chứng minh sự thật rằng làm con gái không hề là việc dễ dàng và trẻ em gái trên toàn cầu xứng đáng đón nhận sự giáo dục, bảo vệ tốt hơn và một tương lai tươi đẹp hơn.
     Những năm qua, Thành phố Hà Nội luôn quan tâm và coi trọng công tác dân số/và phát triển chăm sóc sức khỏe sinh sản. Hiện nay Hà Nội đã đạt mức sinh thay thế, công tác Dân số - KHHGĐ chuyển hướng sang Dân số và phát triển. Kế hoạch hóa gia đình không những góp phần làm giảm tỷ lệ sinh, tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên mà còn có ảnh hưởng rất lớn đến việc giảm tỷ lệ mang thai ngoài ý muốn, nạo phá thai không an toàn, đồng thời giảm số ca tử vong mẹ và tử vong trẻ em.
     Tỷ số giới tính khi sinh của của thành phố Hà Nội đã giảm dần từ 117,6 trẻ trai/100 trẻ gái năm 2008 xuống còn 112,9 trẻ trai/100 trẻ gái năm 2019. Chỉ tiêu năm 2020 là 113 trẻ trai/100 trẻ gái. Theo số liệu 9 tháng năm 2022, tỷ số giới tính khi sinh của toàn thành phố là 109,6 trẻ trai/100 trẻ gái, dự kiến cuối năm không quá 112,5 trẻ trai/100 trẻ gái hoàn thành chỉ tiêu năm. Mặc dù tỷ số giới tính khi sinh của toàn thành phố đang có xu hướng giảm nhưng vẫn trên mức báo động. Nếu không có những can thiệp mạnh mẽ và kịp thời như hiện nay, mất cân bằng giới tính khi sinh sẽ dẫn đến những hệ lụy khó lường về trật tự xã hội, an ninh, chính trị; dẫn đến hiện tượng thiếu nữ thừa nam trong độ tuổi kết hôn và dẫn đến phá vỡ cấu trúc gia đình ảnh hưởng tới chất lượng dân số trong tương lai.
     Mặc dù vậy, công tác dân số ở Thủ đô vẫn đang đứng trước nhiều khó khăn thách thức. Theo cơ cấu dân số, hàng năm số phụ nữ bước vào độ tuổi sinh đẻ vẫn ở mức cao, góp phần làm tăng số sinh của thành phố; tốc độ gia tăng dân số cơ học hàng năm ở mức cao, góp phần làm tăng quy mô dân số. Quy mô dân số lớn, địa bàn dân cư rộng, dân trí không đồng đều, nhận thức và tâm lý muốn có nhiều con và thích có con trai vẫn đang là nguyên nhân dẫn đến tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh ở mức cao.
     "Thời gian tới, ông tác Dân số và phát triển cần tích cực triển khai bằng các nhiệm vụ trọng tâm như: Tiếp tục triển khai có hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Thành ủy, UBND thành phố về Người cao tuổi, Thể lực tầm vóc người Hà Nội, Mất cân bằng giới tính khi sinh...; Thực hiện Kế hoạch số 208/KH-UBND ngày 14/11/2016 của UBND thành phố Hà Nội về kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh thành phố Hà Nội giai đoạn 2016-2025; tăng cường tổ chức các hoạt động nhằm nâng cao vị thế, vai trò của phụ nữ, trẻ em gái, thúc đẩy bình đẳng giới góp phần làm giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh, vận động từng bước làm thay đổi nhận thức và tư tưởng lạc hậu về trọng con trai hơn con gái. Tuyên truyền về già hóa dân số, cộng đồng chung tay chăm sóc sức khỏe người cao tuổi…" - Chi Cục trưởng Chi cục Dân số - KHHGĐ Tạ Quang Huy đề nghị. 
 

Tác giả: Hồng Nhung

Nguồn tin: baophunuthudo.vn

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://dskhhgdhanoi.gov.vn là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây